Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam

Vương Trần |

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Quy định về công nhận tổ chức tôn giáo, tư cách pháp phân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định một trong những điều kiện tiên quyết để tổ chức được công nhận tổ chức tôn giáo là: tổ chức đó phải hoạt động tôn giáo ổn định, liên tục từ đủ 5 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Đây là nội dung mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh đó, tổ chức còn phải đáp ứng các điều kiện khác, như: có hiến chương theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo;

Không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần đầu tiên xác nhận các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận” (Điều 30).

Công dân
Người dân thực hành các tín ngưỡng. Ảnh: T.Vương

Đây là một nội dung mới, quan trọng của Luật nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức khi tham gia các quan hệ pháp luật.

Quy định này phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc hiện nay.

Sau khi được công nhận, tổ chức tôn giáo được thực hiện: phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng tôn giáo…

Quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam

Theo sách trắng tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có quyền: sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo;

Mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo; học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.

Trên cơ sở các quy định có tính nguyên tắc trên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có điểm mới là tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo, người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị.

Quy định về hoạt động tôn giáo, hoạt động xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo

Một trong những quy định mới trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo so với các quy định trước đây là việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo chỉ thực hiện một lần, đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì thông báo bổ sung. Đây là quy định mới, tiến bộ, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính hiện nay ở Việt Nam.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện các hoạt động quốc tế theo hiến chương của tổ chức tôn giáo phù hợp với pháp luật Việt Nam; phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia có liên quan khi thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế;

Được mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo; cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài; được gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định tổ chức tôn giáo được thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định 162 quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; tổ chức cuộc lễ tôn giáo; xuất bản, nhập khẩu kinh sách, đồ dùng tôn giáo và thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng viện trợ không hoàn lại.

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người

Vương Trần |

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Việt Nam chú trọng phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo

Song Minh |

Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đoàn kết để hùng mạnh, phát triển kinh tế - xã hội từ phát huy nội lực

PHẠM ĐÔNG |

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển đất nước.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người

Vương Trần |

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Việt Nam chú trọng phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo

Song Minh |

Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đoàn kết để hùng mạnh, phát triển kinh tế - xã hội từ phát huy nội lực

PHẠM ĐÔNG |

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh nội lực để phát triển đất nước.