Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng, đa dạng về tổ chức, khác nhau về số lượng, có nguồn gốc phát sinh, du nhập, phát triển và ảnh hưởng khác nhau trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội.
Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (tháng 8.1945) đến nay là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định công tác tôn giáo, dân tộc là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là chính sách nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, các hành vi lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị gây mất an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia đều bị nghiêm trị. Điều đó được thể hiện sinh động trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16.10.1990; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12.3.2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Quốc hội khoá XI đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/ PL- UBTVQH 11) quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Chính phủ ban hành nghị định số 22/2005/ NĐ- CP ngày 1.3.2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 1940/ CT- TTg ngày 31.12.2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào”...
Điều 24, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Hiến định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã tiến kịp với nhận thức và chính sách chung về tôn giáo của thế giới.
Bên cạnh đó, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Các văn kiện Đại hội Đảng đều khẳng định và thống nhất, “đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ...”.
Như vậy, quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là điểm nhấn trọng tâm, làm nền tảng cho công tác đoàn kết tôn giáo của cả người theo đạo và không theo đạo, người theo các đạo khác nhau của Đảng và Nhà nước.
Đảng và Nhà nước Việt Nam phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Việc này một mặt tận dụng, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn... đã kết tinh ở các tôn giáo qua hàng nghìn năm lịch sử và đi vào đời sống, mặt khác, qua đó cũng làm cho đồng bào và chức sắc tôn giáo thấy được sự tôn trọng và đề cao của Đảng đối với những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo, góp phần thu hút đồng bào và chức sắc tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc.