Người lao động cần "vượt thách thức, nắm thời cơ" cách mạng công nghiệp 4.0

Vương Trần |

Để thực hiện được mục tiêu khát vọng thịnh vượng, hùng cường, để biến những thách thức thành cơ hội, người lao động đặc biệt là lao động trẻ cần nắm bắt và nhận diện những vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vấn đề việc làm và thu nhập ngay ở giai đoạn đầu.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới".

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực (NNL), nhất là nhân lực chất lượng cao, tranh thủ những cơ hội và thành tựu của Cuộc CMCN 4.0 cũng đã từng được nêu tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII. Để thực hiện tốt nội dung này đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và lâu dài, với hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ, thiết thực và khả thi.

Theo các chuyên gia, để tận dụng tốt thời cơ và vượt qua những nguy cơ, thách thức từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề khai thác nguồn lực con người, nhất là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề đang đã được đặt ra đối với Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Sinh - nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Trần Vương
Ông Đỗ Văn Sinh - nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Trần Vương

Ông Đỗ Văn Sinh (nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) nhìn nhận, đối với Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn chưa tương xứng với sự phát triển nhanh và mạnh của nền kinh tế. Đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc CMCN 4.0.

"Thực tế đã chỉ ra, tuy Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, thời kỳ mà dân số trong độ tuổi lao động cao nhất (năm 2016, lực lượng lao động của cả nước đạt khoảng 54,4 triệu người, chiếm khoảng 58,9% tổng dân số) nhưng nguồn nhân lực (NNL) của nước ta, nhất là NNL chất lượng cao lại thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng và bất cập về cơ cấu" - ông Sinh phân tích.

Do đó, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề nói riêng những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng NNL bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề.

Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0

Nêu một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, ông Sinh cho hay, hiện nay, nguồn lao động của Việt Nam tương đối dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Những công việc mang tính chất rập khuôn, lặp lại đơn giản mà đa phần lao động chưa qua đào tạo Việt Nam đang đảm nhận sẽ dần được thay thế bởi máy móc trong tương lai.

Người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Trần Vương
Người lao động làm việc trong các dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Trần Vương

Bên cạnh việc mất dần những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động, cuộc CMCN 4.0 cũng xuất hiện nhiều ngành nghề mới, gắn với đặc trưng của cuộc cách mạng này như: ngành điện tử, viễn thông, số hóa, kỹ thuật viên máy tính, an ninh mạng, in 3D…

Trong tương lai, những lao động bị mất việc làm do sự phát triển của robot và công nghệ tự động hóa sẽ dịch chuyển sang những ngành mới này. Tuy nhiên, không phải dễ dàng khi chuyển đổi ngành nghề, nhất là những ngành mới đòi hỏi nhiều tri thức.

Một thách thức khác được nêu ra đó là  thị trường lao động phân hóa mạnh mẽ. Trong cuộc CMCN 4.0, lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Hàng loạt nghề nghiệp cũ mất đi, thị trường lao động quốc tế sẽ phân hóa mạnh giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. 

Cùng trao đổi vấn đề này, chuyên gia kinh tế PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng cho rằng, với sự phát triển công nghệ nhanh chóng trong tương lai, nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao là một yêu cầu tất yếu. Từ việc nâng cao yêu cầu về chất lượng NNL, cuộc CMCN 4.0 còn làm thay đổi yêu cầu và phương pháp đào tạo NNL. Đào tạo NNL chất lượng cao chuẩn bị cho CMCN 4.0 đã trở thành vấn đề cấp bách mà nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Yêu cầu về NNL chất lượng cao ngày càng cấp thiết. CMCN 4.0 yêu cầu NNL có chất lượng ngày càng cao. Trong khi đó, NNL chất lượng cao của Việt Nam hiện nay lại thiếu hụt cả về số lượng và kỹ năng tay nghề.

"CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam đang quá ít" - PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng nêu.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Vũ Hoàng, một vấn đề khác cần được quan tâm đó chính là cạnh tranh gay gắt về NNL. Trước hết, cạnh tranh sẽ xảy ra trong một số lĩnh vực công nghệ đang bắt đầu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, tạo áp lực tuyển dụng, phát triển NNL liên quan. Ngay tại nước ta, nhân lực trong các ngành về trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, xe ôtô tự lái, Robotic… đang được "săn lùng" ráo riết và trả mức lương “khủng”. Chi phí tiền lương cho nhóm lao động này có thể tăng 50 - 100%/năm trong một vài năm. 

Số lượng nhân sự đông hiện không còn là một lợi thế cạnh tranh nữa. Với công nghệ, các công ty có thể phối hợp và triển khai những công việc mà trước đây chỉ các công ty lớn mới có thể làm được, chủ yếu tập trung vào ứng dụng công nghệ theo các mô hình kinh doanh mới để tạo năng lực cạnh tranh khác biệt.

Để thực hiện được mục tiêu khát vọng thịnh vượng, hùng cường, để biến những thách thức thành cơ hội, người lao động đặc biệt là lao động trẻ cần nắm bắt và nhận diện những vấn đề của cuộc CMCN 4.0 đối với vấn đề việc làm và thu nhập. 

Những kỹ năng cần thiết cho người lao động để sẵn sàng tham gia cuộc CMCN 4.0 sẽ là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và đưa ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức...

Vương Trần
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng đội ngũ công nhân giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa

Phạm Đông |

Nước ta ta xác định sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho công nhân lao động ở các doanh nghiệp hiện nay là việc làm rất quan trọng.

Triển vọng gỡ "nút thắt" chuỗi cung ứng toàn cầu từ Việt Nam

Khánh Minh |

Với việc chính phủ theo đuổi chính sách thích ứng linh hoạt với COVID-19, không phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài, Việt Nam sẽ tăng tốc để gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 và hưởng lợi nhiều mặt đón FDI cũng như xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu - Reuters nhận định.

Dấu ấn từ phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế trong lao động

Phạm Đông |

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cán bộ, công nhân, viên chức người lao động đều nỗ lực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác gắn với phòng chống dịch, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Xây dựng đội ngũ công nhân giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa

Phạm Đông |

Nước ta ta xác định sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho công nhân lao động ở các doanh nghiệp hiện nay là việc làm rất quan trọng.

Triển vọng gỡ "nút thắt" chuỗi cung ứng toàn cầu từ Việt Nam

Khánh Minh |

Với việc chính phủ theo đuổi chính sách thích ứng linh hoạt với COVID-19, không phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài, Việt Nam sẽ tăng tốc để gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 và hưởng lợi nhiều mặt đón FDI cũng như xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu - Reuters nhận định.

Dấu ấn từ phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế trong lao động

Phạm Đông |

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các cán bộ, công nhân, viên chức người lao động đều nỗ lực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác gắn với phòng chống dịch, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.