Nhu cầu tìm việc, tuyển dụng tăng cao
Những ngày đầu năm Nhâm Dần, nhờ chính sách mở cửa kinh tế thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 của Chính phủ đã và đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước tăng tốc phục hồi sản xuất. Theo đó, không chỉ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mà cả nhu cầu tìm việc của người lao động tăng nhanh sau Tết.
Trở về quê nhà Lào Cai đã hơn 2 tháng nay, chị Lồ Thị Hoa (30 tuổi, dân tộc Tày) đang tìm kiếm các thông tin việc làm của các doanh nghiệp địa phương. Chị Hoa cho biết, trước đây chị làm nhân viên cho một nhà hàng tại Hà Nội. Do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 kéo dài và giãn cách xã hội, chị phải nghỉ việc và bị kẹt lại ở Hà Nội gần 3 tháng. Tháng 10.2021 chị quyết định trở về quê và tìm việc tại địa phương.
“Đầu năm, tôi thấy có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Lào Cai đăng tin tuyển dụng lao động với nhiều vị trí việc làm khác nhau. Bên cạnh nộp hồ sơ Online, tôi cũng đã chuẩn bị một số hồ sơ bản cứng để nộp vào các doanh nghiệp đang tuyển dụng. Đầu tháng tới, tôi dự định đi dự phỏng vấn ở một số nơi, hi vọng sẽ tìm được công việc như ý trong thời gian tới” - chị Hoa nói.
Tương tự, anh Sùng Mí Tính (huyện Mèo Vạc, tình Hà Giang) chia sẻ, vừa qua, anh đã có 6 tháng đi làm việc tại Công ty may mặc tại Hải Phòng nhưng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên trở về địa phương. Sau Tết, đoàn cán bộ của xã đến tuyên truyền, giới thiệu việc làm để cho các lao động trở về sau dịch dự các buổi tư vấn. Khi được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu, anh Sính đang chuẩn bị đi làm việc tại tỉnh Bắc Ninh.
Anh Sùng Mí Long (dân tộc Mông, Hà Giang), chuyên viên tư vấn việc làm của Công ty cung ứng nguồn nhân lực Hải Nam cho biết, để đảm bảo các vị trí việc làm cho người lao động, công ty anh đã đăng thông báo tuyển dụng từ trước Tết Nguyên đán.
“Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, hầu như đầu năm nào, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực đều tăng cao. Năm nay, công ty đang dự kiến kết nối khoảng 10.000 vị trí việc làm cho công nhân với các đơn vị tuyển dụng. Các ngành nghề chủ yếu là linh kiện điện tử và may mặc, làm việc tại các khu công nghiệp cho các công ty ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc”, anh Long nói.
Để đảm bảo công việc cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công ty anh Long đến trực tiếp các bản làng, thôn xóm như: thôn Lũng Hòa B, xóm Sủng Chái, Ma Lé,… (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) để trao đổi trực tiếp, giới thiệu việc làm phù hợp cho bà con. Ngoài ra công ty tận dụng quảng bá trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm nguồn nhân lực.
Đảm bảo kết nối việc làm cho người lao động tại các vùng xa
Tại nhiều địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Sơn La,… ngay từ đầu năm 2022 đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho người dân.
Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Lào Cai cho biết, ngay từ đầu năm, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... khá cao. Hiện tại, Trung tâm đang phối hợp với các doanh nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh xã hội, Trung tâm Dạy nghề các huyện để tổ chức các phiên giao dịch việc làm, các hội nghị tư vấn, tuyển dụng lao động. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào DTTS để đưa những thông tin về việc làm phù hợp trực tiếp đến với họ.
“Ngay sau Tết, Trung tâm đã gửi thông báo tuyển dụng, thông tin việc làm đến các huyện, xã; phối hợp tổ chức 10 phiên GDVL tại các xã thuộc huyên Si Mai Cai (xã Nàn Sán, Sán Chải, Quan Hồ Thẩn, Cán Cấu, Lùng Thẩn, Bản Mế, Thào Chư Phìn, Nàn Sín, Sín Chéng và thị trấn Si Ma Cai) với gần 400 người tham gia, 180 người nhận hồ sơ. Trong 2 tháng đầu năm, đã có 80 người đi làm trực tiếp qua trung tâm, trong đó có 15 lao động thuộc 10 xã nghèo nhất tỉnh (Tả Thàng 13 người, Tả Ngải Chồ 02 người) với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng”, ông Trương Hồng Trường nói.
Trong thời gian tới, Trung tâm DVVL tỉnh Lào Cai tiếp tục tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch - tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động đến các thôn, bản, xã vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó tập trung khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm năm 2022 tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (trên 40%), sau đó tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch - tu vấn việc làm, dạy nghề, XKLĐ... Song song với đó là tổ chức phát thanh tiếng dân tộc về nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh; phát tờ rơi, treo pa - nô, áp phích tại xã.
Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mèo Vạc Trần Thị Lan cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong việc tiếp cận thị trường lao động và tăng hiệu quả giải quyết việc làm, ngành chuyên môn, các xã, thị trấn bám sát tình hình thực tế và nhu cầu việc làm của người lao động từng địa phương phối hợp với các đơn vị, ban, ngành liên quan, nhất là Trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty, doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho người dân địa phương.