Triển vọng gỡ "nút thắt" chuỗi cung ứng toàn cầu từ Việt Nam

Khánh Minh |

Với việc chính phủ theo đuổi chính sách thích ứng linh hoạt với COVID-19, không phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài, Việt Nam sẽ tăng tốc để gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2022 và hưởng lợi nhiều mặt đón FDI cũng như xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu - Reuters nhận định.

Không đóng cửa nhà máy vì COVID-19

Để cứu trợ các nhà bán lẻ, Việt Nam sẽ không đóng cửa nhà máy trong bối cảnh COVID-19 tăng đột biến. Dù số ca nhiễm COVID-19 gia tăng, các nhà máy sản xuất mọi thứ từ giày dép đến điện thoại thông minh của Việt Nam dự kiến ​​sẽ tiếp tục sản xuất, đảo ngược chính sách đóng cửa hoàn toàn vào năm ngoái từng gây khó khăn cho chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các nhà bán lẻ phương Tây.

Hôm 13.2 vừa qua, Việt Nam - một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất thế giới - ghi nhận hơn 26.000 ca nhiễm mới (và ngày 15.2 ghi nhận 31.814 ca nhiễm mới), cao gấp đôi so với năm ngoái, khi các nhà máy cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu như: Nike, Zara, Apple và Samsung bị đóng cửa trong nhiều tháng.

Nhưng không giống như 9 tháng trước, khi biến thể Delta lây nhiễm một phần lớn dân số chưa được tiêm chủng, giờ đây hàng triệu công nhân nhà máy đã được tiêm phòng đầy đủ và biến thể Omicron dường như cũng ít nghiêm trọng hơn, theo đánh giá của chính phủ. Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - nói với Reuters: “Nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên diện rộng trong năm nay là rất thấp do Việt Nam đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng COVID-19”.

Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế trong những tháng gần đây, với các trường học mở cửa trở lại vào tuần trước và chính phủ hôm 13.2 cũng cho biết, sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay chở khách quốc tế đi và đến Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 76% dân số đã được tiêm ít nhất hai liều vaccine COVID-19, tăng so với mức 3,3% vào đầu tháng 9 năm ngoái.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội - cho biết, năm ngoái tổ chức này đã đề nghị chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế, đồng thời dự đoán một năm 2022 tốt đẹp hơn. Ông Sitkoff nói với Reuters: “Tôi mong rằng sẽ không phải chứng kiến thêm các đợt phong tỏa trên toàn quốc vì các ca bệnh nặng ở hầu hết địa phương đều đã được kiểm soát và các nhà chức trách đã nhận thấy rằng các biện pháp hạn chế làm suy giảm nền kinh tế sẽ khó có thể kéo dài".

Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% trong năm nay, tăng từ 2,5% vào năm 2021.

Hoạt động thông suốt của các nhà máy tại Việt Nam giúp gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Khánh Minh
Hoạt động thông suốt của các nhà máy tại Việt Nam giúp gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Khánh Minh

Việt Nam góp phần gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Reuters, hoạt động thông suốt của các nhà máy tại Việt Nam - nước xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ hai vào Mỹ sau Trung Quốc - cũng sẽ giúp gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng vốn đang đẩy lạm phát trên toàn thế giới tăng cao.

"Nếu Việt Nam có thể duy trì năng lực sản xuất và sản lượng của các nhà máy, điều này sẽ thực sự sẽ góp phần hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với các ngành như nông nghiệp, dệt may và tiêu dùng điện tử" - ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp tại EY Việt Nam - cho biết.

Bên cạnh đó, trong thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất thay thế hấp dẫn nhất cho các công ty muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Xu hướng này được cho là sẽ tiếp tục, nếu Việt Nam có thể đứng vững trước làn sóng Omicron hiện tại.

Raphael Mok, Trưởng bộ phận nghiên cứu rủi ro thị trường các nước Châu Á của Fitch Solutions cho biết: “Việt Nam sẽ là nước thụ hưởng chính trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, đặc biệt liên quan đến ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp chuyển ra khỏi Trung Quốc và thiết bị điện tử”.

Việt Nam đã sớm nhận được lời khen ngợi trong đại dịch vì đã kiềm chế được sự lây nhiễm bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nhưng đợt bùng phát vào mùa hè năm ngoái do biến thể Delta đã khiến hàng triệu công nhân phải ở nhà trong bối cảnh các khu công nghiệp ở TPHCM và các tỉnh công nghiệp lân cận ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã khác. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện 90% đến 95% công nhân dệt may đã trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Công nhân nhà máy tại Việt Nam, với thu nhập trung bình 330USD mỗi tháng, đang hy vọng bù đắp cho khoản thu nhập bị mất năm ngoái. "Mọi việc khá suôn sẻ... có nhiều đơn hàng cần giao nên chúng tôi có thể làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Tôi không nghĩ việc đóng cửa nhà máy sẽ trở thành một vấn đề trong tương lai" - Nguyễn Văn Hoàng, 28 tuổi, làm việc tại một xưởng da ở TPHCM - cho biết.

Bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần May Hồ Gươm - chuyên sản xuất hàng may mặc cho các hãng như CK, Mango, Zara và H&M, cho biết bà mong muốn chính phủ sớm phân loại COVID-19 là bệnh đặc hữu. “Các biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp như chúng tôi, vì sẽ không kịp giao sản phẩm cho khách hàng” - bà Ty, người có nhà máy với 6.000 công nhân đang làm việc lưu ý.

Theo nhà kinh tế trưởng Robert Koopman của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), áp lực về nút thắt trong thương mại toàn cầu có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới. Vào tháng 3, WTO sẽ mời các doanh nghiệp, chính phủ và các chuyên gia thương mại thảo luận về chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Koopman cho biết, ngay cả khi các vấn đề đã dịu đi vào thời điểm đó, thì vẫn có những bài học cần được rút ra.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam nhất quán chính sách bảo vệ quyền con người

Song Minh |

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước.

Tối ưu hoá quyền lợi BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc

PHẠM ĐÔNG |

Việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ giúp người lao động Việt Nam đến làm việc tại đây tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước.

Nhiều tập đoàn như Foxconn, Apple muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam

VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh không có chuyện các tập đoàn lớn chuyển chuỗi cung ứng khỏi Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đang muốn mở rộng sản xuất tiếp bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam.

Việt Nam nhất quán chính sách bảo vệ quyền con người

Song Minh |

Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu, động lực quan trọng nhất của đất nước.

Tối ưu hoá quyền lợi BHXH cho người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc

PHẠM ĐÔNG |

Việc ký Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ giúp người lao động Việt Nam đến làm việc tại đây tránh đóng song trùng BHXH, đồng thời tối ưu hóa quyền lợi của người lao động là công dân hai nước.

Nhiều tập đoàn như Foxconn, Apple muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam

VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh không có chuyện các tập đoàn lớn chuyển chuỗi cung ứng khỏi Việt Nam. Một số tập đoàn lớn đang muốn mở rộng sản xuất tiếp bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam.