Phòng, chống thông tin xấu, độc trên không gian mạng
Mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận.
Việc này nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị-xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn, chất lượng.
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, khi tham gia vào mạng xã hội, nếu người tiếp cận thông tin, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ không tỉnh táo, sáng suốt thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Theo ông, thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng lớn tới nhận thức của người tiếp nhận, làm cho người tiếp nhận có cách nhìn nhận lệch chuẩn. Từ đó, những người tiếp nhận sẽ có những hành động gây bất lợi cho nhà nước ở các phương diện mà họ tiếp cận.
Với lực lượng thanh niên, lao động trẻ, những thông tin xấu, độc đó không chỉ bị tiêm nhiễm với người thiếu bản lĩnh mà như một chất xúc tác, thúc đẩy họ chống lại những giá trị cốt lõi được các thế hệ cha ông đã hy sinh máu xương, trí lực để dựng xây nên.
Ông Nguyễn Túc nhấn mạnh đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của các trang mạng xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó lúc nào mà không hay biết.
Hệ quả nó làm cho họ sao nhãng việc học hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý và việc hình thành, phát triển nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người, nhất là giới trẻ.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Túc cho biết, để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, chúng ta cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết. Trước tiên, chúng ta cần có kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp cận nhiều với các thông tin chính thống.
Cần làm cho giới trẻ thấm sâu những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Giáo dục, rèn luyện cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, luôn biết tự trọng, tự chủ trong suy nghĩ và hành động, từ đó xây dựng lối sống tốt đẹp, sống có tình thương và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Ông cũng cho rằng khi nâng cao năng lực để chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội sẽ góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Tránh những sai lầm không đáng có khi chia sẻ những thông tin xấu, độc chưa được kiểm định trên mạng xã hội.
Hành động không ngừng bằng những việc làm cụ thể
Đại tá Chu Xuân Đoàn - nguyên Trưởng khoa Chỉ huy tham mưu Học viện Quốc phòng nêu rõ, ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, khối đoàn kết thanh niên không ngừng được xây dựng, củng cố, mở rộng.
Trong đó, lực lượng lao động trẻ cả nước tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, bắt nhịp nhanh với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Mỗi cán bộ, công nhân, người lao động trẻ trên cả nước cần yêu nước bằng những hành động thiết thực, cụ thể, từ đó xác định rõ trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội và Tổ quốc, phấn đấu không ngừng rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, tích cực học tập, lao động, cống hiến, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bản thân mỗi người cần là những tấm gương sáng tạo không ngừng trong mọi lĩnh vực, mọi công việc, hoàn cảnh. Lực lượng lao động trẻ phát huy sức trẻ, trí tuệ, tham gia giải quyết các vấn đề quan trọng trong sự phát triển của đất nước, giúp nhau phát triển vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại. Nỗ lực khởi nghiệp, lập nghiệp, tận dụng hiệu quả những thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Với những người trẻ, ông Đoàn cũng khuyến khích việc tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần; phát huy tinh thần xung kích, trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sẵn sàng sẻ chia, cống hiến vì cộng đồng, vì xã hội.
Họ phải là lực lượng tiêu biểu trong công cuộc hội nhập quốc tế, chủ động đón nhận tinh hoa tri thức, văn hóa nhân loại nhưng luôn biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống quý báu của dân tộc; tự tin, khẳng định trí tuệ, vị thế của thanh niên, người lao động Việt Nam trên trường quốc tế.