Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người
Theo sách trắng về Tôn giáo và chính sách Tôn giáo ở Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân; Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
Bên cạnh việc thực hiện các quyền nêu trên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng phải thực hiện nghĩa vụ. Đó là: tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm
LS Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật - cho biết, theo Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định các nhóm hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo bị cấm khi xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội.
Xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc.
Chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung
Để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ của tổ chức tôn giáo tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; cho những người thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; đặc biệt cho những người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc công nhận tổ chức tôn giáo.
Để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nhóm tín đồ của tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo phải đáp ứng các điều kiện: có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo; có người đại diện là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; nội dung sinh hoạt tôn giáo không thuộc trường hợp quy định các hành vi bị nghiêm cấm của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Đối với nhóm người theo tôn giáo chưa có tổ chức, ngoài phải đáp ứng các điều kiện của nhóm tín đồ của tổ chức tôn giáo và tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, còn phải có các điều kiện: có giáo lý, giáo luật; tên của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung không trùng với tên tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, tên tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tên danh nhân, anh hùng dân tộc.