Thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư
Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp cuối năm, khắp các thôn làng, tổ dân phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội lại đồng loạt tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - ngày hội của toàn dân, gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Chú trọng đổi mới, sáng tạo, qua 20 năm tổ chức Ngày hội ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng khu dân cư, chung tay cùng địa phương trên những chặng đường phát triển.
Là địa phương được xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) lựa chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết nên từ nhiều ngày qua, sau khi ăn tối xong, các thành viên trong đội văn nghệ của thôn Bãi Tháp lại tập trung tại Nhà văn hóa để tập văn nghệ.
Chị Nguyễn Thị Nga, thôn Bãi Tháp, cho biết: "Dù công việc đồng áng bận rộn nhưng ai cũng nhiệt tình tập luyện để mang đến các tiết mục "cây nhà lá vườn" đặc sắc nhất phục vụ bà con. Ngày hội là dịp để chúng tôi thắt chặt thêm tình cảm xóm làng".
Không khí Ngày hội Đại đoàn kết của nhân dân quận Long Biên năm nay thực sự sôi động bởi được gắn với sự kiện kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập quận (6.11.2003 - 6.11.2023). Không chỉ tổ chức ở các khu dân cư mà nhiều phường còn tổ chức Ngày hội với quy mô cấp phường.
Để Ngày hội có không khí vui tươi phấn khởi, an toàn và tiết kiệm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên đã chỉ đạo hệ thống Mặt trận các cấp chủ động phối hợp với các đoàn thể tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Trên tinh thần đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc chung toàn phường Giang Biên năm nay đa dạng các hoạt động: Thi đấu các môn bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, biểu diễn dưỡng sinh, thi nấu ăn bữa cơm đại đoàn kết, thi kéo co, bày gian hàng đẹp, biểu diễn văn hóa, văn nghệ.
Tạo đồng thuận xã hội, phát huy sự sáng tạo của nhân dân
Đối với người dân huyện Ứng Hòa, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng ý nghĩa hơn bởi lãnh đạo huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 3 hộ nghèo trên địa bàn, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.
Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành Kế hoạch liên tịch giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và UBND thành phố trong triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Thông qua các hoạt động trong Ngày hội, nhân dân đã xây dựng các quy ước, hương ước giúp cho công tác quản lý trong từng cộng đồng dân cư, khu phố đi vào nền nếp.
20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn thành phố đã thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sự sáng tạo của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ văn hóa, kinh tế, chính trị của địa phương; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động.
Theo Kế hoạch liên tịch của UBND thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2023 ở cộng đồng dân cư được tổ chức từ ngày 1.11 đến hết ngày 18.11, gồm phần lễ và phần hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên thành phố tổ chức Chương trình Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cấp thành phố (từ ngày 17 đến 19.11) tại quận Tây Hồ với nhiều nội dung hấp dẫn.
Cùng với đó, nhiều khu dân cư còn vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cá nhân tiêu biểu, con em xa quê ủng hộ tổ chức Ngày hội và "Bữa cơm Đại đoàn kết".
Trước khi diễn ra Ngày hội, các khu dân cư đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua rất thiết thực như vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tập trung vận động tháng cao điểm "Vì người nghèo"; khởi công, khánh thành "nhà Đại đoàn kết"; thực hiện tốt 5 nội dung trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết: "Việc tổ chức Ngày hội thời gian qua cho thấy những đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động của công tác Mặt trận từ cơ sở ngày càng được thể hiện rõ hơn.
Từ việc tổ chức tại từng khu dân cư đến tổ chức liên khu dân cư, các hoạt động được mở rộng, có quy mô lớn; phần lễ và phần hội của Ngày hội cũng được đổi mới rất nhiều qua từng giai đoạn".
Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đã góp phần khơi dậy, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, điển hình là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm; sự đồng lòng, đoàn kết của cộng đồng dân cư; tạo sự gần gũi hơn nữa giữa nhân dân với chính quyền...
Từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.