Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được thể hiện rõ nét, đầy đủ
Xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của một bộ phận nhân dân, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện, đổi mới chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, trong mỗi giai đoạn lịch sử, hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo không ngừng được phát triển và hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo không những tăng nhanh về số lượng mà còn phong phú, đa dạng về hình thức.
Nội dung các văn bản quy phạm pháp luật luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được ghi nhận và được thể hiện trong các bản Hiến pháp từ khi thành lập nước đến nay (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013).
Qua năm lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được thể hiện rõ nét, đầy đủ, hoàn thiện cả về chiều rộng và chiều sâu, được bảo đảm bằng các cơ chế, biện pháp thực hiện hiệu quả hơn.
Trên cơ sở Nghị quyết số 25/NQ-TW về công tác tôn giáo, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa thành các quy định của pháp luật và các kế hoạch, giải pháp, cơ chế bảo đảm thực hiện, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, như: ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 1.3.2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4.2.2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31.12.2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8.11.2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo.
Để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau hơn 10 năm thực hiện, ngày 18.11.2016, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2018.
Đây là văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời là một trong những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được ban hành nhằm cụ thể hóa quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 - đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới tiến bộ, thể hiện tính công khai, minh bạch, nhà nước pháp quyền, phù hợp tinh thần Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo không những khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, mà còn phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở Việt Nam hiện nay, tạo khung pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt, phục vụ đắc lực cho yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam nêu rõ, với sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng được hoàn thiện.
Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Với những quy định đầy đủ, tiến bộ của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, hoạt động tín ngưỡng được bảo tồn và phát huy, các hoạt động tôn giáo được duy trì, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.