Tại Kon Tum, thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh đang có 479/503 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng nhà rông (nhà sinh hoạt cộng đồng của người BaNa, Xơ Đăng...). Tỉ lệ thôn làng duy trì sử dụng nhà rông đạt 90%.
Điều đyu dựng mới hoặc trùng tu, sửa chữa, đồng bào đã cố gắng phục dựng mô hình, kiến trúc nhà rông truyền thống. Đặc biệt, giảm dần và không sử dụng các vật liệu xây dựng tiện ích, hiện đại, nhưng không gần gũi như bê tông, sắt thép, đinh ốc, lợp tôn... Hiện người dân đang xây dựng, sửa chữa nhà rông bằng vật liệu truyền thống như gỗ, tre, nứa, tranh, mây.
Tại Quảng Nam, nhà sinh hoạt cộng đồng của làng đồng bào dân tộc thiểu số tương tự nhà rông ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, kiến trúc của loại nhà sàn này nhiều nét khác biệt. Nổi bậc nhất là gươl của người Cơ Tu.
Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hoá đã được người Cơ Tu vùng núi tỉnh Quảng Nam sáng tạo từ lâu đời mà nó còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng Cơ Tu.
Gươl còn gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung - da dá, với sinh hoạt hát lý của người Cơ Tu. Nhà sinh hoạt cộng đồng còn địa điểm tâm linh, rất thiêng liêng cao quí, nhưng gần gũi, thân thương không thể thiếu trong đời sống văn hoá - xã hội và tinh thần của người Cơ Tu
Dọc sườn đông của dãy Trường Sơn rộng lớn từ Quảng Nam đến Kon Tum có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như người Ve, Triêng (Thuộc nhóm Giẻ Triêng), người Xơ Đăng, Cor, Cadong, Cơ Tu… với số dân hàng chục ngàn người.
Mỗi dân tộc đều có nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng, nhưng nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl, nhà rông) là nơi thể hiện rõ nét nhất cả về văn hóa vật thể và phi vật thể.
Từ lâu, nhà nước, chính quyền các địa phương đã có nhiều hỗ trợ, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Tuy nhiên, rất nhiều nơi, việc trùng tu, tôn tạo, xây mới đã làm sai khác, thậm chí phá hỏng cả kiến trúc truyền thống của người bản địa. Bê tông hóa, lợp tôn hàng trăm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà truyền thống, nhà gươl, nhà rông... của đồng bào miền núi để rồi bỏ hoang phí, vì làm xong thì xa lạ với văn hóa, truyền thống và tín ngưỡng của cộng đồng.
Riêng với cộng đồng Cơ Tu tại huyện Tây Giang , Quảng Nam có 63/78 làng đã có Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 78/119 làng đã có Gươl mới theo kiến trúc và vật liệu truyền thống.
Vì vậy, việc phục dựng, xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng bằng vật liệu, kiến trúc truyền thống đang rộ lên như một phong trào hiện nay là một tín hiệu rất đáng mừng.
Không chỉ tích cực trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, lưu giữ văn hóa bản địa... mà còn là địa điểm tham quan, du lịch thu hút du khách gần xa, để phát triển kinh tế bền vững.