Gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa các dân tộc ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Văn hóa bản địa truyền thống của đồng bào các dân tộc tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk được xem là nét độc đáo để hút khách du lịch, vừa kết hợp để bảo tồn gìn giữ cho thế hệ sau. Do đó, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của văn hóa bản địa để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc và bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Giữa không gian nhà dài truyền thống, trong không khí vui tươi của những ngày đầu năm mới 2024, nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên được thưởng thức những tiết mục như nhịp chiêng "Mừng đón khách", "Mừng vui đến với buôn làng", nghi thức “Chúc và mời rượu cần”… được các nghệ nhân tự tin trình diễn.

Mỗi giai điệu ngân vang đều gắn với đời sống hàng ngày của người dân, thể hiện phong tục, tập quán, tình cảm của đồng bào Ê Đê nơi đây.

Trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đem lại nhiều cảm giác mới mẻ cho du khách. Ảnh: Bảo Trung
Trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đem lại nhiều cảm giác mới mẻ cho du khách. Ảnh: Bảo Trung

Ông Y Deer Byă (TP Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Khi nào khách du lịch đến địa bàn đều rất yêu thích văn hoá dân tộc của người Ê Đê, tôi cùng mọi người trong buôn cố gắng khai thác, phát huy hết những giá trị truyền thống để khách có những trải nghiệm mới mẻ nhất để từ đó có thêm nguồn thu nhập, vừa kết hợp bảo tồn gìn giữ cho thế hệ sau”.

Anh Trần Huy Phú (du khách đến từ Bến Tre) chia sẻ: “Tôi tới Đắk Lắk không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng mà còn muốn trải nghiệm, tiếp thu những nét văn hoá độc đáo của người dân Tây rồi về nhà có thể chia sẻ với gia đình, con cháu.

Có thể thấy, ngoài việc nghỉ dưỡng, tham quan thì du khách còn có thể cảm nhận được xu hướng tìm về môi trường tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống, văn hoá của người dân bản địa. Việc khai thác những yếu tố này cũng giúp gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào nơi đây".

Mọi người cùng nhảy múa, quây quần bên nhau. Ảnh: Bảo Trung
Mọi người cùng nhảy múa, quây quần bên nhau. Ảnh: Bảo Trung

Rời khỏi thành phố náo nhiệt, khi đến với các buôn làng tại huyện Lắk, du khách còn có thể khám phá không gian núi rừng, tìm hiểu nếp sống, nếp sinh hoạt, những nghề truyền thống của đồng bào nơi đây.

Ngoài ra, họ cũng không thể bỏ qua văn hóa ẩm thực - những món ăn dân dã và độc đáo của người M’nông được khai thác và chế biến từ nguồn thực phẩm dồi dào của núi rừng Tây Nguyên như cơm lam nấu trong ống tre, gà nướng than củi, canh măng tro bếp, rau rừng, heo rẫy nướng…

Anh Y Lâm Đăng Bing, chủ nhà hàng Pai R’lăm (huyện Lắk) cho rằng việc thông qua các món ăn truyền thống có sẽ truyền tải câu chuyện văn hóa của người bản địa. Văn hóa ẩm thực của người bản địa là “ăn rừng” có nghĩa là tất cả những thực phẩm đều từ rừng mà có. Ngày xưa người bản địa có rất ít nồi niêu xoong chảo để nấu ăn nên bà con sử dụng ống tre, quả bầu…từ đó, nhà hàng sẽ đưa những vật dụng ấy vào bàn ăn để khách vừa thưởng thức vừa chiêm ngưỡng.

Tiếp đó, khi mặt trời tắt nắng, màn đêm bao phủ các buôn làng, trong tiết trời lạnh của những ngày xuân, sau buổi nếm thử các món ăn đặc trưng của đồng bào nơi đây, du khách sẽ được ngồi bên bếp lửa, cùng đồng bào M’nông đắm chìm vào những giai điệu của núi rừng, hoà mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Âm vang tiếng chiêng như mạch nước ngầm, thấm đẫm vào từng cuộc sống, từng hơi thở của mỗi người dân bản địa. Khi tiếng chiêng vang lên, già trẻ, gái trai đều hướng đến sự khao khát, hòa quyện gắn kết trong vũ điệu của vùng đất đại ngàn nơi đây.

Đắk Lắk với đặc thù có hơn 1/3 dân số là đồng bào các dân tộc cùng sinh sống, đa dạng các hình thức lễ hội, nhiều loại hình phong tục, tập quán, văn hoá độc đáo, đa dạng như không gian văn hoá cồng chiêng, những ngôi nhà dài, nét đẹp thổ cẩm...là những điểm khác biệt, nguồn tài nguyên vô giá để địa phương phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... với bản sắc riêng biệt so với các vùng miền khác.

BẢO TRUNG