Thế hệ trẻ ở Đắk Lắk góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Thế hệ trẻ con em đồng bào các dân tộc ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa truyền thống của ông cha để lại, xem đó như "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày.

Sinh ra trong một gia đình 4 thế hệ đều dệt thổ cẩm, từ nhỏ, em H'Phê Bê Kbrông (buôn Tơng Jú, Xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) và nhiều bạn nữ trong buôn đã và đang được mẹ và các cô dạy một cách kỹ lưỡng về việc sử dụng các sợi chỉ, tạo hoa văn từ dễ đến khó.

Đến nay, H'Phê Bê đã biết cách dệt nhiều hoa văn cổ và khéo léo chăm chút dùng từng sợi chỉ để làm nên các sản phẩm truyền thống của đồng bào Ê Đê.

Em H'Phê Bê Kbrông chia sẻ: "Em đã theo đuổi niềm đam mê với dệt thổ cẩm từ rất lâu, bắt đầu từ 14 đến 15 tuổi đã tập làm. Mẹ em chỉ dạy từng chút một từ bước đơn giản đến phức tạp, từ đó em mới thấy thích và càng học nâng cao hơn. Em sẽ cố gắng tiếp tục rèn luyện tay nghề nhằm gìn giữ nét văn hoá của người Ê Đê".

Đến Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột không khó để du khách bắt gặp tiếng nói, cười rộn ràng của các chị em bên các sản phẩm thổ cẩm rực rỡ.

Khi nguồn thu từ nghề dệt thổ cẩm đã được cải thiện, ngày càng có nhiều bạn trẻ người Ê Đê đam mê và theo học rồi làm nghề truyền thống của thế hệ đi trước. Ảnh: Bảo Trung
Khi nguồn thu từ nghề dệt thổ cẩm đã được cải thiện, ngày càng có nhiều bạn trẻ người Ê Đê đam mê và theo học rồi làm nghề truyền thống của thế hệ đi trước. Ảnh: Bảo Trung

Tại hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông với có 45 thành viên. Với các sản phẩm độc đáo, doanh thu của hợp tác xã có năm đạt 1,2 tỉ đồng. Nhiều thế hệ trong buôn làng nhớ đó có động lực tiếp tục gắn bó với nghề dệt.

Em H'An Ji Byă (buôn Tơng Jú, Xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nói: "Hằng ngày, em thường đi học vào buổi sáng, buổi chiều đến hợp tác xã để học khâu áo, kết cườm. Ngoài thổ cẩm, các bạn trẻ đồng trang lứa như em cũng tham gia gìn giữ nhịp chiêng của buôn làng. Đối với nhiều em gái Mường tại Tây Nguyên, tiếng chiêng là hồn cốt dân tộc, đặc biệt tại đây, những phụ nữ sẽ gìn giữ tiếng chiêng của dân tộc.

Em Nguyễn Thị Ngọc Vân (xã Hoà Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia đội chiêng của người Mường tại xã Hoà Thắng. Qua hơn 15 năm học hỏi, Vân đã đánh được hầu hết các bài chiêng Mường và dạy cho các em nhỏ các bài chiêng. Vân luôn rất tự hào vì mỗi lần được mặc trang phục Mường và tham gia các lễ hội của người Mường được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân.

Hằng năm, tại tỉnh Đắk Lắk, những lớp truyền dạy về cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm… và nhiều nét văn hoá… vẫn luôn được tổ chức và duy trì thường xuyên thu hút rất đông bạn trẻ tham gia. Kết thúc mỗi lớp học, thông qua sự trao truyền của nghệ nhân, các bạn trẻ đều hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

PGS. TS Tuyết Nhung Buôn Krông - Phó Giám đốc Trung tâm KHXH&NV Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên - cho rằng, nghệ nhân là một trong những chủ thể đầu tiên tiếp nhận di sản từ thế hệ ông cha để lại. Việc truyền đạt di sản từ thế hệ này qua thế hệ khác là quá trình trao truyền cần thiết và thông qua vai trò nghệ nhân, các em cũng thấy được tình yêu đối với các di sản của ông cha ta.

Khi những nghệ nhân nắm giữ những nét đẹp văn hoá ngày càng lớn tuổi và ít dần thì rất cần lớp trẻ kế cận, hồi sinh những di sản của dân tộc. Việc thu hút giới trẻ tìm về văn hóa cội nguồn thông qua việc tổ chức các lễ hội truyền thống kết hợp tổ chức nhiều hoạt động, lớp học truyền dạy là một trong những cách bảo tồn và phát huy di sản văn hoá hiện nay.

BẢO TRUNG