Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp

PHẠM ĐÔNG |

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật

Với khoảng 400 điểm thờ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, riêng quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái - huyện Vụ Bản) có 20 điểm, tỉnh Nam Định được biết đến là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thuần Việt này.

Theo ông Nguyễn Văn Thư (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban xây dựng Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO), thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng thuần Việt, do cộng đồng người Việt sáng tạo, có quá trình hình thành phát triển lâu đời, bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp.

Ông cũng cho biết, các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi thức cúng lễ, nghi lễ chầu văn hầu đồng, lễ hội…

Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong hầu đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt, mong ước đất nước thái bình…

Ông Nguyễn Văn Thư nhìn nhận, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn vinh, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống.

Nam Định đã và đang duy trì việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ thông qua rất nhiều hoạt động. Ảnh: Phạm Đông
Nam Định đã và đang duy trì việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ thông qua rất nhiều hoạt động. Ảnh: Phạm Đông

Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội; chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại, có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta; giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Với tính cởi mở của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.

Tín ngưỡng còn thể hiện khả năng tiếp thu, tích hợp và bản địa hóa nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác như thờ cúng Tổ tiên, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và văn hóa các dân tộc thiểu số, như: Mường, Dao, Tày, Nùng... thể hiện sự giao lưu, dung hòa, khoan dung văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các tộc người ở Việt Nam.

Từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; trở thành biểu tượng đa dạng văn hóa trong sự thống nhất, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của nhân loại.

Ông đồng thời nhìn nhận các thực hành của Tín ngưỡng là điều kiện để tích hợp và bảo tồn nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống như: âm nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống, trình diễn, ẩm thực..., đó cũng là phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Đặc biệt Tín ngưỡng còn sản sinh ra một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo là Chầu văn, đó là một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt, đóng góp vào kho tàng âm nhạc của dân tộc và nhân loại.

Bảo vệ những giá trị của di sản

Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản này, vào năm 2020, tỉnh Nam Định đã thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh.

Thông qua các hoạt động của Hội nhằm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị của di sản, đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và cộng đồng.

Đồng thời đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương của nhà nước về xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Nam Định, với việc thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, cộng đồng thực hành tín ngưỡng đông đảo ở địa phương đã có mái nhà chung, hoạt động sẽ có lề lối, việc quản lý, định hướng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn…

PHẠM ĐÔNG
TIN LIÊN QUAN

Cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Vương Trần |

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm và được khẳng định trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất - Hiến pháp.

Lạng Sơn chú trọng tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Anh Vũ |

Trong thời gian gần đây, việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo của Lạng Sơn đã nhận được sự quan tâm và triển khai mạnh mẽ từ các cấp, ngành chức năng.

Bếp lửa trong văn hóa tín ngưỡng của người Ê Đê

BẢO TRUNG |

Từ bao đời nay, hình ảnh bếp lửa gắn chặt với sinh hoạt hằng ngày và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Cơ sở pháp lý cao nhất để bảo vệ, thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Vương Trần |

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm và được khẳng định trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất - Hiến pháp.

Lạng Sơn chú trọng tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Anh Vũ |

Trong thời gian gần đây, việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật về tín ngưỡng và tôn giáo của Lạng Sơn đã nhận được sự quan tâm và triển khai mạnh mẽ từ các cấp, ngành chức năng.

Bếp lửa trong văn hóa tín ngưỡng của người Ê Đê

BẢO TRUNG |

Từ bao đời nay, hình ảnh bếp lửa gắn chặt với sinh hoạt hằng ngày và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.