Bếp lửa trong văn hóa tín ngưỡng của người Ê Đê

BẢO TRUNG |

Từ bao đời nay, hình ảnh bếp lửa gắn chặt với sinh hoạt hằng ngày và đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung.

Bếp lửa - linh hồn trong ngôi nhà dài

Tại ngôi nhà dài có tuổi đời hơn 35 năm của bà H Loi Byă (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi thấy và được nghe gia chủ kể về một gian bếp đã nuôi lớn nhiều thế hệ trong gia đình. Bếp lửa của người Ê Đê thiết kế theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, được nén một lớp đất dày ngăn cách nhiệt với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn. Sau đó, người sử dụng chỉ việc đặt vật kê lên để nấu nướng.

Bà H Loi Byă kể: "Khi dựng xong ngôi nhà dài này, tôi phải ưu tiên làm một chiếc bếp trước tiên. Khi chưa sắm tủ, bàn ghế... gia đình đã có được một bếp lửa ấm cúng để nấu ăn cũng như sưởi ấm. Lửa cũng giúp ngôi nhà sàn bền lâu hơn, tránh mối mọt. Mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm phải giữ gìn cho bếp lửa sạch sẽ. Theo quan niệm của người Ê Đê, nếu có khách vào thì chỉ cần thấy bếp tươm tất, gọn gàng họ sẽ nhận diện được người phụ nữ trong nhà có siêng năng hay không?".

Tại nhà dài của bà H Loi Byă, bếp lửa là nơi cả gia đình sum họp hằng ngày, chia sẻ những buồn vui bàn chuyện làm ăn hay dựng vợ gả chồng cho con cái. Ngoài ra, trên gác bếp là các thanh cây bắc ngang treo những quả bầu khô đựng nước hay hạt giống, dụng cụ đi rừng, làm rẫy. Ngoài việc làm chín thức ăn, tránh thú dữ, sưởi ấm… ngọn lửa ở trong bếp nhà dài là năng lượng của sự sống, nơi bắt đầu một ngày mới, kết nối tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình cũng như thôn, buôn ở một cộng đồng.

Không những thế, mỗi khi thôn, buôn tổ chức lễ hội hoặc lễ bỏ mả cho những người khuất núi, người Ê Đê làm một bếp lửa lớn giữa khoảng đất trống, gọi là bếp thiêng.

Bếp lửa vẫn mầu nhiệm dù trong ngôi nhà hiện đại

Thức dậy ở xã Cuôr Đăng vào buổi sáng tinh mơ, chúng tôi bắt gặp chị H'Linh Ayun đang cùng với ông bà, bố mẹ nhóm lửa trên bếp nhà dài nấu nước pha cà phê uống và chuẩn bị đồ ăn cho cả ngày lao động nương rẫy vất vả. Cả gia đình chị H'Linh Ayun cẩn thận không để cà phê, đồ ăn rơi vãi ra sàn nhà, nhất là chiếc bếp được khoanh vùng để một góc riêng biệt, mọi người ngồi quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ.

Chị H'Linh Ayun tâm sự: "Dù hiện nay có bếp gas, bếp điện, bếp từ nhưng với người Ê Đê thì bếp lửa truyền thống vẫn không thể thay thế. Bếp lửa gắn liền với tuổi thơ những người thế hệ 8X, 9X như chúng tôi. Những lúc trời lạnh hay trời mưa, nếu tôi đi đâu về nhà được ngồi bên bếp lửa hồng luôn có cảm giác ấm áp yên bình". Khi khách đến thăm nhà của đồng bào Ê Đê thường được gia chủ nhóm lửa, tiếp đãi tại không gian bếp. Đặc biệt, nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Ê Đê như canh cà đắng, thịt nướng đều phải được nấu trên bếp lửa mới có mùi thơm ngon...

Với người Ê Đê, linh hồn của ngôi nhà dài truyền thống chính là hình ảnh bếp lửa được giữ ấm từ ngày này qua tháng khác. Dù cuộc sống thời nay đã nhiều thay đổi, nhưng gia đình, cộng đồng buôn làng người Ê Đê vẫn luôn gìn giữ những giá trị truyền thống của đồng bào mình, trực tiếp gắn bó mật thiết với hình ảnh bếp lửa...

BẢO TRUNG