Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ phải được đầu tư thích đáng
Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, chủ trương phát triển kinh tế tri thức cùng với thực hiện trí thức hóa công nhân được Đảng ta thể hiện nhất quán trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nhấn mạnh, công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động, chủ động nắm bắt đặc điểm tâm lý, điều kiện xã hội chi phối CNLĐ ở doanh nghiệp để có biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp
Ông phân tích CNLĐ trẻ ở các doanh nghiệp là những người có nhân cách đang trưởng thành, có sự phát triển tương đối hoàn thiện về mặt thể chất. Đây là lứa tuổi thường tỏ ra nhạy cảm với cái mới, ham học hỏi, thích tìm tòi khám phá phát hiện những điều mới lạ trong hoạt động đời sống xã hội.
Đồng thời, đây cũng là lứa tuổi sôi nổi nhiệt tình, có quyết tâm cao, yêu thích các hoạt động tập thể, có khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của xã hội và điều kiện khó khăn phức tạp, vất vả của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Chính vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ công đoàn phải thực sự nắm vững các đặc điểm tâm lý - xã hội của họ để đánh giá đúng những tác động tích cực và tiêu cực đối với quá trình giáo dục đạo đức.
Đưa ra giải pháp, ông Hoà nêu rõ việc Lãnh đạo doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ công đoàn cần chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, lối sống đề cao ý thức kỷ luật, rèn luyện tác phong công nghiệp...
Kiên trì định hướng tư tưởng trong rèn luyện bản chất GCCN cho CNLĐ hướng tới hoàn thiện các phẩm chất nhân cách theo tiêu chí “Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”. Phê phán mọi biểu hiện của lối sống buông thả, kém văn hóa, coi thường giá trị các mối quan hệ lao động, pháp luật Nhà nước, kỷ luật lao động của doanh nghiệp.
Tiếp đó, đổi mới, mở rộng các hình thức giáo dục, tăng cường sự phối hợp giữa công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho CNLĐ. Thực tiễn cho thấy, việc thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn và giao lưu là cách thức quan trọng nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho công nhân lao động.
Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về tình hình trong nước và thế giới cho CNLĐ ở các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, ứng dụng khoa học công nghệ và các mạng xã hội. Chú trọng tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, của doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các luận điệu, thông tin sai trái; tăng sức “tự đề kháng” cho công nhân lao động trước sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước những vấn đề, sự kiện chính trị - xã hội có tính quan trọng, nổi cộm.
Phát triển công nhân trí thức
TS Trần Thị Như Quỳnh, Học viện Chính trị khu vực II nêu rõ, trong kinh tế tri thức, tri thức là yếu tố chủ yếu để tạo ra sự phát triển nhanh chóng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, bản thân người công nhân và giai cấp công nhân hiện đại không ngừng tự đào tạo, được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ khoa học - công nghệ, tạo thành xu hướng trí thức hóa công nhân trong nền công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức.
Cùng với đó, việc rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học vào sản xuất trong nền công nghiệp hiện đại, kinh tế tri thức đã dẫn đến một thực tế là, các nhà nghiên cứu, sáng chế, các kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp... gia nhập vào hàng ngũ GCCN hiện đại ngày càng đông, tạo thành xu hướng công nhân hóa trí thức.
Hai xu hướng này cùng đồng thời diễn ra trong kinh tế tri thức, nhất là xu hướng trí thức hóa công nhân, đã dẫn đến sự hình thành và phát triển công nhân trí thức.
Theo TS Trần Thị Như Quỳnh, nền sản xuất công nghiệp hiện đại đòi hỏi GCCN phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp... Đồng thời, tạo cơ chế sàng lọc khắc nghiệt đối với giai cấp công nhân, ai đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của nền công nghiệp hiện đại thì mới trụ được trong guồng máy, nếu không sẽ bị loại bỏ.
Với ý nghĩa đó, giai cấp công nhân hiện đại phải là những người thực sự có trình độ chuyên môn và năng lực trí tuệ cao, bộ phận ưu tú và là lực lượng tiên phong nhất so với các giai cấp và các tầng lớp khác của xã hội.