Lao động trẻ - không để "lạc" giữa ma trận thông tin
Sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đang mang tới một kho thông tin cho người dùng. Chưa bao giờ người ta có thể tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ. Có những thông tin thu hút sự tương tác của hàng triệu người, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận. Đó cũng là cơ hội để mọi người được tiếp cận thông tin, chia sẻ những điều tốt đẹp nhưng nếu không đủ tỉnh táo, người dùng có thể dễ bị lạc vào “ma trận” thông tin thật, giả lẫn lộn.
Các chuyên gia về truyền thông xã hội cho rằng, không chỉ những thông tin tiêu cực, thông tin sốc, sến mới được mọi người tiếp nhận nhiều mà những điều tử tế, những điều tốt đẹp trong cuộc sống vẫn có đời sống riêng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng.
Thực tế, từ câu chuyện chống dịch COVID-19, nhiều hành động đẹp đã được lan toả từ không gian mạng và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội. Như trong chống dịch COVID-19, có những Mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi 95 như bà Ngô Thị Quýt vẫn ngồi may khẩu trang chống dịch; có những học sinh tiểu học viết thư cho Thủ tướng xin hiến toàn bộ tiền mừng tuổi để mua khẩu trang phát miễn phí; có những cụ già ngoài 80 tuổi như ông Tư Ẩn bán quần áo cho người nghèo với giá 0 đồng. Đó là những câu chuyện khiến người ta "rưng rưng nước mắt" bởi tinh thần sẻ chia “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã đem đến cho mỗi người dùng cơ hội tiếp cận thông tin đồ sộ. Và với hơn 60% người dân sử dụng internet ở Việt Nam thì những thông tin xuất hiện trên mạng xã hội có thể sẽ được khá nhiều người tiếp cận đến.
Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội thì cũng có rất nhiều chiều và nhiều ý kiến khác nhau. Do vậy, giữa không tin như vậy, thì không thể tránh khỏi những thông tin tiêu cực, thông tin “rác” ảnh hưởng tới mọi người. Lúc này, người dùng mạng xã hội, trong đó có phần lớn là người lao động, lao động trẻ cần phải thực sự tỉnh táo, nhận diện đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai để có những ứng xử phù hợp.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cho hay người xưa có câu “tiếng lành đồn xa mà tiếng xấu cũng đồn xa”. Do đó, không chỉ những thông tin tiêu cực, thông tin xấu mới được lan truyền đi nhanh, đi nhiều mà những thông tin về sự tốt đẹp, về sự tử tế, tấm gương người tốt việc tốt cũng được chia sẻ và nhận được sự hưởng ứng từ mọi người. Bằng chứng là có rất nhiều chương trình về sự tử tế, về hành động tốt đẹp vẫn được hàng trăm lượt chia sẻ, lượt like. Chính những câu chuyện về sự tử tế đó tạo ra được những thông điệp ý nghĩa, có giá trị hơn trong xã hội nếu được nhân rộng ra. Và công nhân, lao động, đặc biệt lao động trẻ cần góp phần vào việc lan toả những thông điệp ý nghĩa.
Đại biểu Hạ cũng cho rằng, trong cuộc sống, trước hết mỗi người cần phải tự nêu gương, sống tốt, tử tế thì khi trong môi trường mạng mới có thể lan tỏa những điều tốt đẹp được. “Nếu chúng ta chia sẻ về những điều tốt đẹp, làm những điều tốt đẹp thì ắt hẳn cuộc sống sẽ nhiều “màu sáng” hơn chứ không phải chỉ có “màu tối”” – Đại biểu Hạ nói.
Tạo khí thế cho các phong trào thi đua lao động, có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống
Còn ông Nguyễn Ngọc Long (sáng lập viên truyền thông Trăng Đen, người có nhiều nghiên cứu về mạng xã hội) nhìn nhận: Khi mà sử dụng mạng xã hội mọi người hay có suy nghĩ phải sốc, sex, sến thì mới có thể giật gân, câu khách thì mới câu được view, nhưng sự thực không phải như vậy.
Rất nhiều câu chuyện cảm động, câu chuyện về sự tử tế và hành động đẹp được chia sẻ, được hưởng ứng. Thậm chí có những khi sự cộng hưởng của cộng đồng mạng còn giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh, nhiều nhân vật và nhân rộng những việc làm tốt đẹp. Có điều để kể được câu chuyện tử tế để người ta quan tâm thì khó hơn kể câu chuyện sốc, sến.
“Nếu chúng ta lan tỏa những thông tin tốt thì cũng sẽ có rất nhiều ý nghĩa. Khi mà chúng ta nói nhiều hơn về những điều tử tế, những điều tốt đẹp, điều tích cực ở trên mọi môi trường thông tin, ở trên báo chí, trên mạng xã hội, ở ngoài đời và ở mọi thời điểm thì điều đó sẽ đạt được độ cộng hưởng và lan tỏa. Điều này cũng giúp mọi người có được niềm tin hơn về những điều tử tế, tốt đẹp trên xã hội vẫn còn và hiển hiện mọi lúc, mọi nơi chứ không phải điều gì đó xa vời, cách xa chúng ta. Khi tất cả mọi người cùng đồng thanh để nói về những điều tử tế thì những điều tiêu cực cũng sẽ ít còn cơ hội để sinh sôi, nảy nở” – ông Long nói.
Cũng theo ông Long, khi mà chúng ta nói nhiều về những điều tử tế thì xã hội tràn ngập những điều tử tế thì điều xấu mà một ai đó định làm, một ai đó định nói thì họ sẽ chùn tay hơn vì khi đó họ là người khác thường. Thực tế thì những thông tin tích cực và tử tế được chia sẻ và hưởng ứng rất nhiều chứ không chỉ có những thông tin tiêu cực mới lan truyền đi nhanh.
"Và với lực lượng lớn người dùng mạng xã hội trong độ tuổi lao động hiện nay, đặc biệt là các lao động trẻ thì càng cần có cách sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn. Từ đó tạo khí thế cho các phong trào thi đua lao động, có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống hàng ngày cũng như trên mạng xã hội" - ông Long nói.