Lo ngại trẻ em bị "nghiện" mạng, bị "xâm hại" từ không gian mạng
Không thể phủ nhận những thuận lợi của môi trường mạng Internet giúp trẻ em có thể học trực tuyến hay giải trí, thư giãn sau giờ học bằng việc xem phim, đọc báo để bổ sung kiến thức xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, thiết thực thì môi trường mạng ngày nay tiềm ẩn không ít cạm bẫy, rủi ro. Có thể nói, đây chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng truyền bá những thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em và có thể dẫn đến tình trạng trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại.
Những nội dung truyền bá hấp dẫn có thể khiến các em thu mình vào thế giới ảo, sống xa rời thực tế. Bởi hiện nay, hầu hết phụ huynh, đặc biệt với các phụ huynh là công nhân, lao động bận đi làm, không có nhiều thời gian quản lý, theo dõi con em mình sử dụng điện thoại, mạng Internet như thế nào. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội với vô số những ứng dụng đầy “cám dỗ” là những nguy cơ được lường trước nhưng lại không dễ vượt qua.
Theo Báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong quý I/2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 trường hợp (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).
Do đó, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, an toàn mạng cho trẻ em ngày càng được xã hội quan tâm hơn khi việc tham gia vào các hoạt động trên môi trường này. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi thời gian hoạt động của trẻ em trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều.
Do tính chất công việc làm công nhân vệ sinh, chị Nguyễn Thị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) thường hay phải làm ban đêm. Nên vào giờ tối, khi con trai đang học lớp 8 học bài ở nhà cũng là lúc chị đang cặm cụi làm việc. Sau thời gian học online, con trai chị từ một cậu bé còn bỡ ngỡ với các thao tác máy tính, đến giờ đã biết rất nhiều nền tảng mạng xã hội.
Một lần tìm hiểu trang cá nhân của con trai, chị vô tình đọc được nhiều đoạn chat trong nhóm bạn bè của cậu. Đáng nói, nhóm này chủ yếu là chat rủ nhau đi chơi, truyền cho nhau những thước phim có nội dung thô tục, rủ nhau thử hút thuốc lá điện tử, bình phẩm về hình thức của các bạn gái… Trong lịch sử truy cập mạng, nhiều video Youtube có nội dung “không phù hợp” với trẻ em cũng được các em tìm hiểu.
Ngay sau đó, chị Liên đã ngồi nói chuyện nghiêm túc với con, phân tích cho con thấy những tác hại tiềm ẩn của mạng xã hội, nếu không tỉnh táo thì sẽ dẫn đến bị “nghiện”, sa ngã và trở nên hư hỏng… Cũng từ khoảng thời gian này, chị đã giám sát chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị điện tử của con hơn, chịu khó chuyện trò để con không sa đà vào việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều.
Chị Liên chỉ là một trong số rất nhiều phụ huynh bận bịu với công việc, đi làm thường xuyên và không thể kiểm soát chặt chẽ việc “giao lưu” trên mạng xã hội của các con, không thể kiểm soát hết các nội dung độc hại nhan nhãn trên Internet không phù hợp với lứa tuổi học đường. Nhiều trường hợp các em khi sử dụng mạng xã hội còn bị các đối tượng “quấy rối”, “làm phiền” bởi các số điện thoại lạ, tin nhắn rác với nội dung tục tĩu.
Làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
Chuyên gia về trẻ em Nguyễn Trọng An (nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em) phân tích, trong bối cảnh thông tin phát triển như hiện nay, các bậc cha mẹ hay người lớn phải sát sao với con trẻ và hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội, sử dụng internet hay thưởng thức các sản phẩm từ trò chơi, youtube cho phù hợp, đúng hướng.
Bởi trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều vấn đề mà chúng ta không thể lường hết được. Trong đó tiềm ẩn nhiều nội dung không lành mạnh có thể gây tổn hại đến tâm lý cũng như sự phát triển trí tuệ của trẻ. Các em đều trong độ tuổi tò mò, muốn tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, cộng với đó là sự thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội nên rất dễ sa đà vào các cạm bẫy, những lời rủ rê, mời gọi của những đối tượng xấu.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Bộ LĐTBXH đã có phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông xây dựng Bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Cẩm nang về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho đội ngũ cán bộ, cha, mẹ và trẻ em.
Cùng với đó, Bộ LĐTBXH đã tham gia Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Cũng theo bà Hoa, một số tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng như (Viettel, VNPT, FPT), doanh nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam như (Facebook, Tiktok…) đã quan tâm, có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và đã tham gia vào Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân; đồng thời cha mẹ cũng là những người “gác cổng”, áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ trẻ em.
Cũng theo bà Hoa, cần tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng.