Có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nhưng Kiên Giang vẫn chưa phát huy được thế mạnh này.
Bỏ ngỏ nhiều lợi thế
Chúng tôi đến tham quan xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Là người tâm huyết và trăn trở với tiềm năng du lịch của địa phương, từng kết nối bà con làm du lịch cộng đồng, tận dụng thế mạnh của rừng, anh Lê Hoàng Nhân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện An Minh, Thành viên Tổ giúp việc Đề án phát triển du lịch của huyện - bộc bạch: “Mình nhìn thấy được lợi thế ở địa phương, từ giá trị lịch sử, từ rừng tràm, thậm chí từng cọng rau đồng hay con cá, mật ong rừng... cũng có thể đưa vào làm du lịch. Nhưng cái khó là phải có đầu mối để tập hợp, để hướng dẫn làm một cách bài bản, tận dụng mọi giá trị thì mới mang lại nguồn lợi lớn. Khi đó, người dân vừa kiếm thu nhập từ rừng, từ sản vật nông thôn, vừa quảng bá giới thiệu về vùng đất lịch sử An Minh”.
Theo thống kê của Sở Du lịch, lũy kế 6 tháng năm 2023, Kiên Giang ước đón trên 4,9 triệu lượt khách (Phú Quốc chiếm trên 3,3 triệu), tổng thu đạt khoảng hơn 10.000 tỉ đồng (Phú Quốc chiếm gần 8.600 tỉ). Có thể thấy, đóng góp du lịch của TP Phú Quốc chiếm đa số còn các địa phương khác vẫn rất khiêm tốn. Hay nói cách khác, du lịch Kiên Giang chỉ tập trung khai thác mạnh về biển đảo mà chưa tận dụng lợi thế núi, rừng, nông thôn.
Trong chuyến khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại huyện An Biên và An Minh hồi cuối năm 2022, Sở Du lịch Kiên Giang đã nhận định 2 huyện này có tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, cách khai thác du lịch tự phát, chủ yếu là khách lẻ, khách gia đình, chưa kết nối được với các công ty du lịch, lữ hành. Đa số bà con kinh doanh theo thời vụ, thiếu thông tin về sản phẩm dịch vụ do chưa được quảng bá nhiều.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, 2 huyện có tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó có những sản phẩm chỉ cần đầu tư một số chi tiết sẽ có thể đưa vào khai thác, phục vụ du khách.
“Địa phương cần hệ thống lại tài nguyên du lịch, xây dựng kế hoạch phát triển theo giai đoạn dài hạn, ngắn hạn. Trong đó, đề ra các giải pháp cụ thể; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, kêu gọi đầu tư… để khai thác giá trị tài nguyên phục vụ phát triển du lịch của địa phương” - ông Thái đề nghị.
Tìm cách mở nút thắt
Kiên Giang tập trung khai thác ở 4 cụm du lịch Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải, U Minh Thượng và vùng phụ cận. Đến nay, đã hình thành các sản phẩm du lịch khá phong phú, mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế như vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành sự liên kết, phối hợp giữa các hộ dân; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa chuyên nghiệp; lượng du khách có tăng nhưng không bền vững, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...
Hiện tại, loại hình du lịch cộng đồng được đẩy mạnh phát triển tập trung nhiều tại huyện U Minh Thượng, Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc, nhưng chưa thật sự khai thác được hết tiềm năng thế mạnh của sản phẩm OCOP lẫn hình thức du lịch cộng đồng.
Ông Bùi Quốc Thái cho biết, Sở Du lịch Kiên Giang đang tích cực triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Khảo sát tình hình hoạt động khu, điểm du lịch, hiện trạng dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm đề xuất lựa chọn các điểm du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.