Sưu tầm nhiều món cổ vật giá trị
Với niềm yêu thích, đam mê văn hoá Tây Nguyên, ông Mẫn Phong Sơn (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhiều năm qua đã tìm tòi, lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật về đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Ngoài những vật như gùi, chiêng, trống, tranh ảnh, sách... ông Sơn đặc biệt lưu giữ các dòng ché cổ của đồng bào như ÊĐê, M’Nông, Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng… niên đại khoảng thế kỷ 13. Ông đã xây dựng một bảo tàng ngay giữa buôn làng để hiện vật ở đúng nơi nó thuộc về.
Ông Mẫn Phong Sơn (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - chia sẻ: "Tôi đã mất thời gian khá lâu để sưu tầm những cổ vật để có thể xây dựng bảo tàng này một cách bài bản và được chính quyền cho phép hoạt động. Tôi nghĩ rằng, bảo tàng này trước hết nên được mọi người đồng bào thiểu số trong buôn biết đến, tham quan với niềm tự hào dân tộc.
Vì chính bà con thì mới là những nhân chứng sống, những đồ vật gắn liền với đời sống sinh hoạt của cha ông và ngay cả bản thân họ. Việc góp phần giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp cũng là trách nhiệm và bổ phận của họ".
Hay như một trường hợp khác là vợ chồng chị H'Lốc Mlô (Phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại có niềm yêu thích đặc biệt với cồng chiêng và các vật dụng, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Ở đâu có hiện vật giá trị mang tính lịch sử cao, gia đình chị đều tìm đến tìm hiểu và mang về sưu tầm.
Hai vợ chồng chị H'Lốc Mlô đã nghiên cứu, thiết kế một ngôi nhà sàn để có thể lưu giữ nhiều hiện vật như các bộ chiêng của đồng bào Ê Đê, M’nông, Gia Rai, ghế kpan, đàn đinh năm, sáo… Nhưng vật phẩm trên được trưng bày trong không gian nhà sàn truyền thống càng làm toát lên vẻ đặc trưng riêng của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên, khiến khách đến tham quan không khỏi ấn tượng, thích thú.
Chị H'Lốc Mlô nói rằng: "Cả 2 vợ chồng rất đam mê, khi nào có ai giới thiệu hay gia đình nào không sử dụng nữa thì 2 vợ chồng đến rồi mang cồng chiêng về trưng bày. Ấp ủ lớn nhất là mở lớp dạy cồng chiêng miễn phí cho các em nhỏ để bảo tồn văn hoá dân tộc mình
Cần bảo tồn và phát huy
Hiện, với sự phân bố dân cư xen kẽ, sự phát triển mạnh mẽ của đời sống hiện đại, đã làm thay đổi môi trường văn hoá truyền thống dẫn đến văn hoá bản địa các dân tộc trong vùng Tây Nguyên đang ngày càng mai một. Trong bối cảnh đó, mỗi người dân khi sưu tầm những món đồ cổ, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng chính là cách để gìn giữ hồn cốt dân tộc.
Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - nhận định: Trong điều kiện chưa có đủ nguồn lực để phát triển, bảo tồn văn hoá, hàng năm đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh, góp ý cho các chính sách cấp trên nữa để có chính sách tốt hơn cho việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống.
Trong mỗi hiện vật như chiêng, ché, gùi, bầu đựng nước, các công cụ lao động… đều ẩn chứa một câu chuyện về quá trình sinh sống, phát triển của đồng bào Tây Nguyên qua các thời kỳ. Đây chính là tư liệu sinh động để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau hiểu thêm về văn hoá, lịch sử; góp phần lưu giữ và lan tỏa hình ảnh đẹp về đất và người Tây Nguyên.
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã mở nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng với hàng chục học viên, cấp 2 bộ chiêng gồm Chiêng Ê Đê Bih và bộ Chiêng M'Nông, 60 bộ trang phục truyền thống...
Sở còn thực hiện sưu tầm và quay tư liệu các bài chiêng truyền thống của người Ê Đê và người M'Nông. Đơn vị tiến hành phỏng vấn, khảo sát lấy thông tin phiếu khảo sát rồi tổng hợp kết quả và chọn ra được 7 bài chiêng truyền thống, tiến hành ghi hình tư liệu và hiện nay đang biên tập, dàn dàn dựng tư liệu các bài chiêng truyền thống để lưu giữ nhằm bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.