Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh
Ngày 4.11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023 và biểu dương điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Theo Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao kết quả tỉnh Nam Định đã đạt được.
Việc tổ chức Ngày hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa, gắn kết bà con, động viên, giúp đỡ nhau thực hiện tốt công tác tự quản, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gìn giữ an ninh trật tự.
Để Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục phát huy hiệu quả, thực chất, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội địa phương ban hành chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng trong xã hội.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tham mưu để cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo gắn kết chặt chẽ tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Trong đó, chú trọng nâng cao số lượng, chất lượng các khu dân cư kiểu mẫu để mỗi khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều là nơi đáng sống, chan chứa tình cảm yêu thương của xóm làng.
Giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân
Ngày hội tạo điều kiện để nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của mình; tích cực tham gia góp ý với cán bộ, đảng viên, với chi bộ, tổ dân phố và các đoàn thể ở khu dân cư.
Giám sát chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các phần tử lợi dụng dân chủ, có hành vi gây rối trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
MTTQ và các tổ chức thành viên chủ động tiếp nhận ý kiến của nhân dân phản ánh nhanh, kịp thời những ý kiến của nhân dân với các cấp có thẩm quyền; chủ động giám sát việc giải quyết các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân để kịp thời tháo gỡ, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tại tỉnh Nam Định hiện có 226 Ban Thanh tra nhân dân với hơn 2.250 thành viên; hơn 230 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với trên 1.760 thành viên.
Những năm qua, Ban Thanh tra nhân dân đã tiến hành giám sát 8.520 cuộc, xác minh theo yêu cầu trên 1.000 cuộc; Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tiến hành giám sát hơn 7.380 cuộc, qua đó kiến nghị xử lý trên 1.350 vụ việc sai phạm, góp phần hạn chế những tiêu cực ở cơ sở, làm minh bạch công tác quản lý đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước, các dự án đầu tư tại cộng đồng, tạo lòng tin trong nhân dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ vững ổn định tại địa phương.
Bình quân các năm có trên 90% hộ gia đình tại Nam Định được công nhận gia đình văn hóa, 80% số khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa. Tỉnh hiện duy trì hoạt động trên 2.140 tổ hòa giải tại các khu dân cư…
Dịp này, 107 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định biểu dương, khen thưởng.