Công tác tôn giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo của Ban Dân vận Huyện ủy Mê Linh (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn huyện có 2 tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo. Trong đó, Phật giáo có hơn 2 vạn tín đồ (chiếm 10% dân số) tại 76 ngôi chùa; Công giáo có 4.971 nhân danh (chiếm 2% dân số) tại 10/18 xã, thị trấn.
Xác định công tác tôn giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả.
Hằng năm, huyện mở các lớp tập huấn phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản có liên quan cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chức sắc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, như thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ; tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Thông tri số 14-TT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, công tác tôn giáo trên địa bàn huyện Mê Linh đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về hoạt động tôn giáo đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác tôn giáo trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phùng Văn Dũng cho rằng, huyện Mê Linh cần tiếp tục triển khai tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân.
Đặc biệt, huyện lưu ý xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giữa cấp ủy chính quyền địa phương với các chức sắc, chức việc, người đứng đầu các cơ sở tôn giáo trên địa bàn; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện tốt phương châm "Sống tốt đời, đẹp đạo", "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" trong quần chúng tín đồ tôn giáo.
Chung tay bảo vệ môi trường, thực hiện quy tắc ứng xử
Theo ông Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng ban Ban Đoàn kết Công giáo huyện Mê Linh, thực hiện kế hoạch của Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Mê Linh đã triển khai và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường đến toàn thể giáo dân.
Mô hình đường làng, ngõ xóm luôn “sáng, xanh, sạch, đẹp văn minh” đã được triển khai và lan rộng ra hầu hết các xứ, họ đạo và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Chiều thứ bảy, sáng chủ nhật hàng tuần và những ngày có thánh lễ, các giáo dân tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải.
Điều này góp phần tạo cảnh quan môi trường tại các cơ sở thờ tự luôn được sạch sẽ, đồng thời khuyến khích các giáo dân thực hiện việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống, kết hợp với cộng đồng dân cư để hưởng ứng các phong trào do chính quyền địa phương phát động về bảo vệ môi trường.
Còn tại quận Cầu Giấy, ông Bùi Minh Cường - Trưởng phòng Văn hóa và thông tin quận - cho biết, toàn quận có 50 di tích được kiểm kê trong danh mục quản lý, 38 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và thành phố; 19 lễ hội truyền thống, trong đó 16 lễ hội được UBND Thành phố công nhận di sản văn hóa phi vật thể.
Từ năm 2005 đến 2021, UBND quận tổ chức tu bổ 41 lượt di tích với kinh phí gần 400 tỉ đồng; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học hiện vật tại 28/38 di tích được xếp hạng phục vụ quản lý và bảo quản đồ thờ, hiện vật tại di tích; phối hợp đề xuất và lập hồ sơ 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 21 di tích xếp hạng cấp thành phố.
Từ đó, UBND các phường nghiêm túc xây dựng văn bản chỉ đạo Ban quản lý di tích các phường, Tiểu Ban quản lý các di tích tổ chức thực hiện quản lý theo thẩm quyền; thực hiện tốt tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực quản lý văn hóa, quản lý di tích, giới thiệu lịch sử di tích, nguồn gốc lễ hội.
Nhờ đó, 100% cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã niêm yết nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lắp bảng giới thiệu nội quy của di tích để nhân dân thực hiện. Quận Cầu Giấy cũng đã xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hóa, điểm đến an toàn hấp dẫn” tại 7 di tích.