Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về bảo vệ và thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016, chuẩn bị đảm nhiệm thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và có nhiều đóng góp tích cực vào việc thành lập và hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR),…
Việt Nam nghiêm túc, nỗ lực thực thi trách nhiệm, nghĩa vụ, các cam kết quốc tế trong hiện thực hóa các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong hệ thống pháp luật, chính sách và hoạt động thực tiễn;
Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, chính sách trong nước phù hợp và tuân thủ các quy định của Công ước quốc tế về Quyền con người mà Việt Nam là thành viên; sẵn sàng đối thoại và kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Việt Nam tích cực tham gia cơ chế đối thoại dân chủ, nhân quyền, tôn giáo với các đối tác Hoa Kỳ, EU, bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tham gia các diễn đàn đa phương về nhân quyền, tôn giáo trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEAN, ASEM,...
Cùng với đó, Việt Nam luôn chủ động cung cấp thông tin về thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tới chính phủ, học giả, báo chí, người dân các nước; đón các đoàn nghị sĩ, quan chức chính phủ các nước vào thăm Việt Nam để tìm hiểu tình hình bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo; thành lập các đoàn công tác tới Hoa Kỳ và một số nước phương Tây để trực tiếp đối thoại, trao đổi về vấn đề tôn giáo.
Việt Nam cũng mở rộng quan hệ hợp tác, đối thoại với các nước ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để trao đổi thông tin, thiết lập cơ chế đối thoại, giúp bạn bè các nước hiểu và ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế.
Sách trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, đã có gần 70 đoàn đi nghiên cứu, tìm hiểu về tôn giáo tại các nước: đoàn đi nghiên cứu, tìm hiểu về Công giáo, Chính thống giáo tại Mê-hi-cô, Cu Ba, Nga; nghiên cứu thực tế về đạo Tin Lành tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ; tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, Ba Lan, Hung-ga-ry, Séc, Đức; nghiên cứu về Hồi giáo và văn hóa Hồi giáo tại Ai Cập, I-ran, I-xra-en, Thổ Nhĩ Kì; tìm kiếm cơ hội hợp tác để xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam sang các nước Hồi giáo; thiết lập quan hệ trên lĩnh vực tôn giáo với hầu hết các nước ở khu vực ASEAN,…
Quan hệ giữa Việt Nam - Va-ti-căng đang có bước tiến triển tích cực. Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chuyến viếng thăm Va-ti-căng và hội kiến Giáo Hoàng.
Việc tăng cường đối thoại và hợp tác quốc tế đã góp phần làm sáng tỏ chính sách, thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, tác động tốt tới dư luận quốc tế, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Cũng theo Ban Tôn giáo Chính phủ, Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những biện pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiệu quả.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đưa pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo vào cuộc sống luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở, đặc biệt là chú trọng đổi mới về nội dung với nhiều hình thức.
Kể từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến nay, Bộ Nội vụ (trực tiếp là Ban Tôn giáo Chính phủ) đã tổ chức hơn 150 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho công chức với hơn 27.000 lượt người tham dự, gần 150 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với tổng số hơn 20.000 lượt người tham dự. Trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 14.000 hội nghị phổ biến pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với tổng số gần 990.000 lượt người tham dự.