Đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang theo Hồi giáo (Islam), với gần 11.400 người, chiếm 0,72% số người theo tôn giáo toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Chăm sống tập trung 9 xóm Chăm trên địa bàn 9 xã ở 5 địa phương gồm các huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Châu. Mỗi xóm Chăm đều có thánh đường hoặc tiểu thánh đường và có một vị giáo cả đứng đầu, do cộng đồng bầu lên.
Địa bàn dân cư nơi đồng bào dân tộc Chăm sinh sống đều được tỉnh An Giang quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở. Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cất nhà cho hộ nghèo, xóa mù chữ... được tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. 100% khóm, ấp vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 90% hộ được lắp đặt điện kế và nước sạch sử dụng…
Sở Nội vụ An Giang đánh giá: Sau 20 năm tổ chức, quán triệt và triển khai Thông báo 119-TB/TW ngày 30.9.2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chủ trương công tác đối với Hồi giáo trong tình hình mới”, các chủ trương của Trung ương đối với Hồi giáo là đúng đắn, phù hợp và kịp thời, tạo sự chuyển biển tích cực.
Đặc biệt, từ khi có Luật về Tín ngưỡng, Tôn giáo, hoạt động của người theo đạo Hồi giáo trên địa bàn An Giang từng bước ổn định, có nền nếp.
Từ khi thành lập Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, các chức sắc, chức việc và người có đạo rất phấn khởi vì được chính thức công nhận pháp nhân, được tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật.
Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cùng các vị Giáo cả, Ban Quản trị các thánh đường cùng với địa phương quản lý tốt cộng đồng người Chăm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo như tổ chức lễ hội... đều thực hiện đúng các nội dung quy định.
Ông Nguyễn Phú - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh An Giang cho biết các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước triển khai kịp thời, thông thoáng giúp địa phương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc; trong đó có cộng đồng Hồi giáo - đồng bào dân tộc Chăm.
Là tỉnh có nhiều tôn giáo, dân tộc, An Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chức sắc, chức việc, cộng đồng Hồi giáo tự giác chấp hành các quy định của pháp luật.
Đồng bào dân tộc Chăm An Giang luôn cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh An Giang cho biết hoạt động của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh đã đi vào nề nếp; trật tự, an ninh vùng đồng bào dân tộc Chăm được đảm bảo. Các chức sắc, chức việc và cộng đồng Hồi giáo ngày càng tích cực, năng động, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo. Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương các cấp và các cơ sở tôn giáo được củng cố, tăng cường.
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác liên ngành do ông Nguyễn Ánh Chức, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ dẫn đầu, khảo sát tổng kết 20 năm thực hiện Thông báo 119-TB/TW, tỉnh An Giang đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành có liên quan ưu tiên thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Chăm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp tục cho vay vốn với lại suất ưu đãi, phục hồi phát triển các ngành nghề truyền thống; nghiên cứu soạn thảo, ban hành sách giáo khoa Việt-Chăm để thống nhất giảng dạy cho học sinh người Chăm trên toàn quốc.
Tỉnh đề nghị các bộ, ngành liên quan bổ sung chỉ tiêu vốn đầu tư, giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong vùng đồng bào Chăm; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ khoa học kỹ thuật là người Chăm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương...
Thay mặt Đoàn công tác, ông Nguyễn Ánh Chức - Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá cao An Giang đã triển khai tốt Thông báo 119-TB/TW trên địa bàn tỉnh; các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho cộng đồng Chăm đã, đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, đời sống, kinh tế của người theo đạo Hồi giáo trên địa bàn tỉnh được nâng lên.