Câu chuyện của cô Lê Thị Hằng - giáo viên môn Toán bậc THCS tại tỉnh Thanh Hoá có nguyện vọng xin nghỉ hưu sớm trước 5 năm so với quy định nhưng "khó đủ đường" nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Điều khiến cô Hằng cùng các đồng nghiệp băn khoăn là để được xét nghỉ hưu theo Nghị định 143/2020/NĐ-CP cần thỏa mãn điều kiện: Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Theo cô Hằng - là giáo viên, không ai mong muốn mình không hoàn thành nhiệm vụ để được nghỉ hưu sớm. Đây chính là điều khó khăn, vướng mắc đối với giáo viên trong việc hoàn thiện hồ sơ nếu có nguyện vọng nghỉ hưu sớm.
Thấu hiểu tâm tư của đồng nghiệp, thầy Vũ Trường Hải - giáo viên bậc phổ thông tại Gò Vấp, TPHCM - cho biết, hiện nay tuổi nghỉ hưu của phụ nữ khác nhau tùy vào từng quốc gia.
Một số ví dụ về tuổi nghỉ hưu của phụ nữ như Trung Quốc là 55 tuổi với nữ giới làm việc trong văn phòng; Nhật Bản là 61 tuổi; Mỹ là 65 tuổi; Pháp là 62 tuổi; Na Uy 67 tuổi... Đa số các nước phát triển, độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi trở lên.
Tại Việt Nam, kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
"Đây là sự phù hợp với những phụ nữ có tinh thần cống hiến cao. Một mặt nào đó họ muốn có sự ghi nhận về thành tích hay công lao đóng góp cho đơn vị, cho đất nước. Có thể khi 55 tuổi họ vừa mới thành công đã đến tuổi hưu, họ muốn cống hiến thêm.
Còn đối với những người làm công việc nặng nhọc hơn, vất vả hơn thì không muốn tăng tuổi hưu. Ví dụ như công nhân trong các nhà máy sản xuất, thậm chí giáo viên... Chỉ cần hình dung một nữ giáo viên thể dục ở độ tuổi 60 thì làm sao có thể thị phạm nhảy cao, nhảy xa... hoặc hướng dẫn học sinh tập luyện tốt? Học sinh cũng ít hứng thú với những giáo viên có tuổi" - thầy Hải phân tích.
Nam giáo viên cho rằng, tuổi nghỉ hưu của nữ 57 là phù hợp. Như vậy, cần có chính sách hỗ trợ và đồng ý gia hạn tuổi hưu thêm 3 năm đối với những người có nguyện vọng.
Với nam, nên có chính sách hỗ trợ và đăng kí nguyện vọng tiếp tục làm việc hay nghỉ hưu khi đến 60 tuổi.
Đặc biệt, cần thông thoáng chính sách hỗ trợ, chế độ phù hợp cho người lao động, xét duyệt hồ sơ người lao động muốn nghỉ hưu sớm dựa vào hoàn cảnh, sức khỏe... Điều này giúp người lao động nói chung và giáo viên nói riêng thoải mái tinh thần, nỗ lực cống hiến.