Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương và 133 điều (luật hiện hành gồm 9 chương và 125 điều) trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, nhưng có bổ sung một số chính sách mới. Nổi bật là hai nhóm chính sách hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ, tăng thêm quyền lợi cho người tham gia.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, phấn đấu đến năm 2030, nước ta có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu có khoản tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng.
Chính sách thứ 2 là mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Trong đó, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Bảo hiểm xã hội tự nguyện được đề xuất bổ sung một số chế độ thai sản với mức 2 triệu đồng/lần sinh con…
Cùng với việc xây dựng hành lang pháp lý linh hoạt, thuận lợi nhằm mở rộng lưới an sinh cho người dân; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn bổ sung nhiều quy định hướng đến mục tiêu mở rộng số người tham gia theo hướng bền vững, hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, trục lợi các nguồn quỹ về bảo hiểm xã hội.
Trên tinh thần đó, Ban soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung chính sách thứ 3 là mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội.
Với chính sách này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội thiết kế theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu, giảm tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần được nghiên cứu bổ sung các quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Đó là giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm (không áp dụng với người hưởng BHXH một lần).
Trong trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu, họ sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng…
Với quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra hai phương án. Một là giữ nguyên như hiện nay.
Hai là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm, mà người lao động có yêu cầu, thì được giải quyết một phần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.