Theo đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã chính thức chủ trì khai đàn Pháp hội Đại Bi Quan Âm tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo) với nghi lễ đặc biệt Khai quang 5 đường nhiễu Phật Uyển Đại Bảo Tháp và Khai mở Đại Thongdrol Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Trong cảnh sắc Xuân Tây Thiên tưng bừng không khí lễ hội, mặc dù trời chuyển lạnh dưới 12 độ nhưng hàng nghìn Phật tử và du khách thập phương đã đổ về khu quần thể Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên để tham dự Đại lễ cầu an do đích thân Đức Gyalwang Drukpa, bậc được kính ngưỡng rộng khắp là hoá thân chân thật của Đức Phật Quan Âm cử hành, với nhiều nghi lễ tâm linh đặc sắc.
Khai quang 5 đường vi nhiễu ngũ sắc, một công trình đặc biệt mới được kiến lập bao xung quanh ngôi Bảo tháp, Đức Gyalwang Drukpa giải thích rằng, theo Phật giáo Kim Cương thừa, trong mỗi chúng ta cũng có 5 yếu tố ngũ đại (địa thuỷ hoả phong và không đại) vận hành. Khi đi nhiễu Bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, với tín tâm sâu sắc, chúng ta sẽ tạo ra những năng lượng tích cực, khai mở tâm và viên mãn mọi mong nguyện.
Bởi vậy khi nào thấy mệt mỏi, năng lượng cạn kiệt, chúng ta có thể nhiễu Bảo tháp để đón nhận nguồn năng lượng an lành của vũ trụ giúp phục hồi sức khoẻ, an lạc thân tâm.
Cũng trong Đại pháp hội cầu an lần này, một lần nữa, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng kiệt tác nghệ thuật Phật giáo - Bức Đại Thongdrol Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn - một bảo vật của Truyền thừa do Đức Gyalwang Drukpa ban tặng. Bức Thongdrol quý cao 16m rộng 12m biểu trưng 16 thứ lớp tu chứng của Phật giáo Kim Cương thừa và 12 đại nguyện Đức Quan Âm để ban trải tâm từ bi, tình yêu thương, sự bảo hộ che chở đến tất cả mọi người, mọi loài.
Một điểm nhấn quan trọng của Pháp hội là nghi lễ thỉnh nhập, gia trì khai quang Tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni linh thiêng sống động cao hơn 3m trong lòng ngôi Đại Bảo Tháp để cầu nguyện quốc thái dân an và bình an cát tường cho tất cả những ai có duyên lành tham dự. Tôn tượng này là phiên bản đặc biệt của tượng Phật trong Tự viện Hemis – ngôi tự viện cổ lừng danh thuộc thánh địa Hemis, vùng Himalaya.
Buổi Đại lễ còn là một đại tiệc văn hóa - tâm linh giàu màu sắc, âm thanh và sự thăng hoa khi đại chúng được liên tục chiêm ngưỡng những màn trình diễn sống động, ý nghĩa và truyền cảm hứng mạnh mẽ, như vũ điệu Kim Cương thừa Cát tường Mangalam được trình diễn bởi các vị Tăng sĩ Truyền thừa Drukpa, tiết mục Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn do cá nghệ sĩ múa Việt Nam biểu diễn với tạo hình nghệ thuật mô tả Đức Quan Âm “nghìn mắt chiếu soi, nghìn tay hộ trì” trên nền nhạc xứ tuyết Himalaya, màn trình diễn trống Pháp Vũ Rồng Thiêng đầy hào sảng do chính các Ni sư ở trụ xứ Tây Thiên thể hiện…
Cũng trong khuôn khổ pháp hội, Đức Gyalwang Drukpa đã nhận lời thỉnh cầu của Ni sư trụ trì Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên thực hiện nghi thức đặc biệt - Thủ ấn lưu dấu Vân tay để ban gia trì cho vườn Phật uyển và các công trình tâm linh trong quần thể Đại Bảo tháp.
Theo Ngài, Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên là một phẩm vật gia trì đặc biệt dành cho đất nước và người dân Việt Nam. Tất cả các công trình nơi đây đều được thiết kế xây dựng dựa theo Kinh điển, Mật điển và những lời Phật dạy. Bởi vậy, mọi hình ảnh, âm thanh nơi Đại Bảo tháp đều là những biểu tượng giác ngộ có năng lực gia trì mạnh mẽ và rộng khắp.
Pháp hội Đại Bi Quan Âm sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 ngày mùng 7 và 8 Tết Quý Mão với nhiều hoạt động tâm linh đặc sắc do đích thân Đức Pháp Vương cử hành cùng lời cầu nguyện hòa bình, an vui, thịnh vượng cho mỗi người dân và đất nước Việt Nam.