Triển lãm ảnh đồng thời đánh dấu mối pháp duyên 15 năm của Ngài với người dân và Phật tử Việt Nam. Đến với triển lãm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng 324 tác phẩm đặc sắc, gồm nhiều bức ảnh và tư liệu lịch sử quý hiếm, qua 15 nhóm chủ đề, ghi lại những khoảng khắc ý nghĩa và đáng nhớ của Ngài và Tăng đoàn trên hành trình này, từ lần đầu viếng thăm đích thân gieo hạt giống Bồ đề của Truyền thừa giác ngộ đến sự phát triển hòa nhập của Phật giáo Kim Cương thừa hiện nay tại Việt Nam.
Thượng toạ Thích Thanh Lâm - Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, “Tôi tin rằng nhiều người trong số chúng ta sẽ tìm được rất nhiều hình ảnh đẹp về Đức Gyalwang Drukpa, được sống lại những kỷ niệm rất đẹp của các kỳ Pháp hội và hoạt động Phật sự của Ngài và Tăng đoàn tại Việt Nam, cảm nhận được tình cảm của Ngài với Phật tử người dân Việt Nam cũng như sự chí thành tôn kính của nhân dân và Phật tử Việt Nam với Ngài”.
Đức Gyalwang Drukpa là một bậc Thầy Phật giáo thế giới và được kính ngưỡng là hóa thân rộng khắp của Đức Quán Thế Âm. Ngài sinh ra trong một gia đình hành giả Kim cương thừa có dòng dõi tôn quý và đã chứng tỏ năng lực tâm linh từ khi còn nhỏ.
Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng về tinh thần dấn thân phụng sư nhân loại với đại nguyện hoằng pháp lợi sinh. Ngoài trọng trách lãnh đạo Truyền thừa Drukpa, Ngài còn là bậc lãnh đạo có ảnh hưởng lớn trong các thiện hạnh bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, bình đẳng giới tại vùng Himalaya. Mỗi bức ảnh về Ngài trên hành trình phổ độ quần sinh trở thành những biểu tượng đẹp của tình yêu thương, lòng từ bi trong đạo Phật.
Trong mối nhân duyên với đất nước và con người Việt Nam, Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ rằng, “Suốt 15 năm qua, Việt Nam luôn nằm trong trái tim và là điểm đến đặc biệt ý nghĩa với chúng tôi. Người dân nơi đây yêu chuộng hoà bình và luôn mong nguyện một cuộc sống hạnh phúc bình an trong tình yêu thương và sự sẻ chia. Đó là nhân duyên tốt lành khiến tôi thấy vô cùng gắn bó với đất nước và trân trọng người dân Việt Nam”.
Đúng như thông điệp “Sắc pháp của trí tuệ tỉnh thức tình và yêu thương lan tỏa”, nhiều tác phẩm trưng bày tại Triển lãm đã khắc họa hình ảnh Đức Gyalwang Drukpa trong pháp hội cầu siêu, cầu quốc thái dân an tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); Ngài dự đại lễ Phật đản Vesak tại Ninh Bình; hay thật nhiều lắng đọng hình ảnh Đức Gyalwang Drukpa bi mẫn trong đại lễ cầu siêu cho chư hương linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn tại nghĩa trang Quảng Bình hay trong đại lễ cúng dàng đèn cầu nguyện quốc thái dân an tại Chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM)…
Bên cạnh đó, có không ít “khoảnh khắc” được các nhà nhiếp ảnh “nắm bắt” và gây ấn tượng mạnh về góc máy, bố cục như cảnh Ngài dẫn đầu Tăng đoàn hành hương vì môi trường xuyên qua vùng núi tuyết hùng vĩ tại Ladakh (2009), Sikkim - Ấn Độ (2010), các thánh địa Phật giáo thiêng liêng tại Nam Ấn (2012)…
Dù dưới góc độ nào, những ống kính trung thực cũng toát lên ánh sáng tình yêu thương bi mẫn và trí tuệ giác ngộ từ Đức Gyalwang Drukpa - bậc hiện thân Đức Phật Quan Âm ban trải yêu thương đến hết thảy chúng sinh trong cõi nhân sinh này.