Đối tác thúc giục, xuất khẩu vẫn kẹt cứng vì thiếu nhân lực chế biến

VŨ LONG |

Cuối năm là thời điểm xuất khẩu "bứt tốc" nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng hóa đang bị ùn ứ. Nhiều lô hàng gạo đang bị kẹt lại.

Khách hàng chờ gạo, doanh nghiệp chờ "luồng xanh"

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong tháng 8 này doanh nghiệp của ông phải giao 11.111 tấn gạo đã trúng thầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, nhưng hiện doanh nghiệp không thể đáp ứng được do đứt gãy chuỗi chế biến, vận chuyển.

"Thông lệ từ tháng 8 hàng năm là đơn hàng đổ về nhiều. Nay do dịch bệnh, đơn đặt mua gạo vẫn có nhưng giao hàng gặp khó do giãn cách và cước vận chuyển quá cao nên người mua và người bán vẫn không dám ký kết" - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Tập đoàn Tân Long cũng là một trong những doanh nghiệp lớn hàng đầu về xuất khẩu gạo, nhưng mấy tháng nay đang “kẹt cứng” trong dịch COVID-19. Đơn hàng đang chờ, đối tác thúc giục, nhưng không có lao động để chế biến, cảng bị phong tỏa do dịch COVID-19, doanh nghiệp ngồi chờ mà bụng như lửa đốt.

Trao đổi với PV Lao Động - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung - cho biết: Hiện Tân Long đang kẹt 1 lô gạo thơm cao cấp Jasmine tại cảng, hàng đang ở sàlan chưa thể bốc lên tàu do thiếu nhân lực và không có tàu nhận do thực hiện giãn cách.

“Việc để hàng nằm tại sà lan ở cảng rất nguy hiểm, bởi hiện đang là mùa mưa, mưa nắng hàng ngày có thể làm gạo bị ẩm, mốc, hấp hơi, giảm chất lượng ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí bị khách hàng từ chối” – ông Nguyễn Chánh Trung nói.

Không riêng gì Trung An, Tân Long, hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Intimex, đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Sáng 12.8, tại cuộc họp trực tuyến do Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương Phan Văn Chinh chủ trì, trao đổi khẩn với đoàn công tác Bộ Công Thương “Về tình hình thu mua tiêu thụ lúa hàng hoá vụ Hè Thu 2021, tạm trữ lưu thông và tình hình xuất khẩu trong thời gian tới; Những khó khăn vướng mắc”, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, họ không thể triển khai đơn hàng cho đối tác bởi không thể chế biến, vận chuyển hàng hóa xuống tàu trong bối cảnh dịch bệnh COVID căng thẳng hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Kiên – Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hiện tiến độ tiêu thụ lúa tươi cũng như giao hàng tại các cảng đang bị ách tắc nghiêm trọng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống an sinh xã hội của người trồng lúa và một bộ phận lao động thu nhập thấp ở vùng sâu vùng xa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước tình hình đó, VFA đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cùng các cơ quan chức năng liên quan xem xét có biện pháp cấp bách mở luồng xanh cho vận tải đường thủy.

Lượng lúa gạo tại ĐBSCL đang rất lớn. Ảnh: Vũ Long
Lượng lúa gạo tại ĐBSCL đang rất lớn. Ảnh: Vũ Long

Hỗ trợ vốn để doanh nghiệp mua lúa giúp dân

Trao đổi với PV Lao Động trưa 12.8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Trong tình hình xuất khẩu gạo khó khăn hiện nay, để hỗ trợ bà con nông dân tại ĐBSCL tiêu thụ lúa gạo, Bộ NNPTNT đề nghị tỉnh nào khó khăn, vướng mắc cần có kiến nghị để bộ hỗ trợ.

“Tỉnh nào khó khăn ở đâu, vướng mắc gì hãy gửi thông tin, Bộ NNPTNT sẽ tháo gỡ dần, giải quyết khó khăn cho từng tỉnh. Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn phải làm lần lượt” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Về vấn đề hỗ trợ người dân tiêu thụ lúa gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu Nhà nước mua sẽ có những bất cập, trong đó bất cập về thủ tục hành chính sẽ không “ngay và luôn” được.

“Bây giờ chỉ còn cách, ví dụ mua 4 triệu tấn ở ĐBSCL hết mấy nghìn tỉ đồng, chỉ cần hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp sẽ mua luôn” – Thứ trưởng Tiến khẳng định.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay có rất nhiều loại lúa gạo thì doanh nghiệp sẽ phân biệt được. Doanh nghiệp sẽ mua và khi có điều kiện sẽ xuất khẩu. Còn nếu để Nhà nước mua tạm trữ thì thủ tục lâu. Ngân hàng hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong vòng 3-4 tháng, chỉ mất khoảng mấy chục tỉ nhưng vấn đề tiêu thụ lúa gạo của nông dân sẽ được giải quyết. Đây là hiến kế của Bộ NNPTNT với Chính phủ” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ý kiến.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung cũng cho biết, về vấn đề tàu hoặc container không đáng ngại, bởi hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu doanh nghiệp có thể đàm phán được. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ vốn vay ưu đãi.

"Đề nghị Chính phủ có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các Ngân hàng TMCP chỉ cần giảm thêm 1-2% vốn cho vay là doanh nghiệp có thể thu mua lúa gạo hỗ trợ dân"-ông Nguyễn Chánh Trung khẳng định.

VŨ LONG
TIN LIÊN QUAN

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo

TRANG THIỀU |

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo được quy định cụ thể tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

Những cuộc chiến mở sử trong thời đại Hùng Vương

BÀI VÀ ẢNH MINH THI |

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến "cách cổ đỉnh tân", phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới.

Công đoàn cơ sở và vai trò nòng cốt bảo vệ quyền lợi người lao động

PHONG QUANG |

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 149 Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp khu vực sản xuất kinh doanh. Đây được đánh giá như những hạt nhân nòng cốt, cánh tay nối dài của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ và nói lên tiếng nói người lao động.