Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang), tính đến tháng 6.2021 toàn tỉnh hiện có 149 CĐCS trong các doanh nghiệp khu vực sản xuất kinh doanh. Trong đó, có 10 CĐCS doanh nghiệp nhà nước, 134 CĐCS doanh nghiệp ngoài nhà nước, 5 CĐCS doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tổng số đoàn viên là 15.962 đoàn viên.
Từng bước khẳng định vai trò của công đoàn cơ sở
Thực tế hoạt động cho thấy, các cấp công đoàn đã thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò và chức năng của công đoàn theo tiêu chí hoạt động công đoàn hướng mạnh về cơ sở. Chất lượng hoạt động của CĐCS từng bước được nâng lên.
Nhiều hoạt động đã được các CĐCS triển khai một cách thiết thực, hiệu quả khiến các đoàn viên, người lao động tin tưởng, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.
Điều này tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nơi làm việc cho cán bộ CĐCS và tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động.
Một trong những hoạt động nổi bật của CĐCS đang tiếp tục được đẩy mạnh là hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị cho đoàn viên và người lao động.
Theo đó, tuỳ theo từng loại hình doanh nghiệp mà CĐCS có những hình thức tuyên truyền vận động đoàn viên, người lao động phù hợp.
Bên cạnh đó, CĐCS đã tích cực nắm bắt và kịp thời xử lý những thông tin liên quan trực tiếp tới quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người lao động được phản ánh.
Từ đó tạo được niềm tin của người lao động với CĐCS, tiếp tục khẳng định vai trò và trách nhiệm của CĐCS trong các doanh nghiệp.
Số lao động nữ trong các doanh nghiệp thường chiếm lượng lớn, vì vậy nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Những phong trào thi đua như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được vận dụng sáng tạo trong từng loại hình doanh nghiệp và đã trở thành phong trào có chiều sâu chất lượng được nhiều nữ lao động hưởng ứng.
Khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng tổ chức công đoàn
Mặc dù vậy, thực tế hoạt động thời gian qua cũng cho thấy chất lượng của CĐCS ở các loại hình doanh nghiệp chưa thực sự đồng đều, một số CĐCS doanh nghiệp hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang 5 năm qua đã có sự tăng trưởng về số lượng nhưng chủ yếu lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động hoặc sử dụng lao động trong gia đình. Thống kê cho thấy chỉ có 8,4% số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có tổ chức Công đoàn.
Trong khi đó, cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp hầu hết là hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa thông suốt. Việc vừa phải đảm nhiệm công việc chuyên môn, vừa phải tham gia tổ chức các hoạt động công đoàn đã dẫn tới hiệu quả hoạt động hạn chế.
Do đó, LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang đã xác định, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS theo hướng tổ chức các hoạt động công đoàn phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên và người lao động, phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đổi mới các hình thức tổ chức các phong trào thi đua ở cơ sở, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đổi mới phương thức hoạt động của ủy ban kiểm tra CĐCS, quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công đoàn.
Đặt mục tiêu lấy công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động là nòng cốt trong hoạt động của CĐCS. Tích cực cùng công đoàn viên đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các vướng mắc, vấn đề nảy sinh trong thực tế hoạt động để tăng cường củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức công đoàn.
CĐCS phải giữ vai trò quan trọng, là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động với người lao động để đảm bảo công tác thương lượng, ký kết và sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể đem lại quyền lợi tốt hơn cho người lao động được thực hiện nghiêm túc.