1. Cuộc chiến mở nước của Hữu Hùng Đế Minh
Huyền sử Việt bắt đầu bằng Truyện Họ Hồng Bàng có Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông, đi tuần ở phương Nam, lấy bà Vụ Tiên... Còn Đại Việt Sử ký Toàn thư mở đầu bằng câu “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước”, nói tới cuộc chiến giữa Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên với Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê. Sau chiến thắng này, Hoàng Đế lên nắm quyền thống trị vạn bang gồm tộc người thuộc các dòng phương Nam xưa (của bà Vụ Tiên), phương Bắc xưa (của Viêm Đế), phương Tây (của Xi Vưu). Hiên Viên trở thành Minh chủ của thiên hạ muôn nước, được huyền sử Việt chép là Đế Minh.
Cuộc chiến lập ra thiên hạ Họ Hùng đầu tiên này được lưu truyền rõ nhất trong sự tích vùng núi Tây Thiên. Quốc Mẫu Tây Thiên là bà Vụ Tiên hay Cửu Thiên Huyền Nữ là hội quân ở Đại Đình dưới chân núi Tam Đảo, tiến về Phong Châu giúp vua Hùng đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn chống giặc. Thắng trận, Tây Thiên trở thành Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, vị Mẫu Thượng Thiên của người Việt trong tín ngưỡng Tứ phủ, và trong tục thờ Cha Trời, Mẹ Đất. Công Cha như núi Thái Sơn ở Nghĩa Lĩnh - Phong Châu; Nghĩa Mẹ như suối nguồn từ đỉnh Phù Nghi (Nghĩa) của Tam Đảo chảy mãi không ngừng.
2. Cuộc tranh đoạt giữa Lạc Long Quân và Đế Lai
Tiếp theo thời Hữu Hùng Đế Minh, người Việt đã đi nốt chặng đường khởi dựng nhờ hòa hợp 4 tộc người ở 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong chuyện Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long. Con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân bằng sự hỗ trợ của dòng tộc bên mẹ ở Động Đình (biển Đông) đã tiến hành cuộc chiến tranh đoạt lấy ngôi thủ lĩnh (biểu hiện trong hình tượng Âu Cơ) với chính dòng phương Bắc là Đế Lai.
Truyện Họ Hồng Bàng mô tả cuộc chiến này: “Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc”.
Cuộc chiến cách nay 4 ngàn năm này đã khởi đầu thời kỳ thị tộc phụ đạo và còn lưu dấu rất đậm nét trong tín ngưỡng dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lạc Long Quân là Vua Cha của Thoải phủ, tập hợp những người anh em trong cùng bọc trứng đánh lại quân "Thục". Những người anh em này được tôn thờ là Ngũ vị Tôn quan, lập thành ban Công đồng của điện thờ Tứ phủ.
Trong Truyện Hồ Tinh thì Long Quân đã sai "lục bộ thủy phủ" dâng nước tiêu diệt con Cửu vĩ Hồ ở Thủy quốc Động Đình (tức Hồ Tây). Cửu vĩ Hồ nghĩa là tộc người Hồ ở hướng Tây vì số 9 (cửu) là con số chỉ phương Tây trong Hà thư. Dòng tộc của Đế Lai bị Lạc Long Quân đánh đuổi phải chạy về hướng Tây, nên từ đó còn được gọi là Thục (từ “thục” trong tiếng Nôm có nghĩa là “chín”, đồng âm với số 9, chỉ hướng Tây).
3. Cuộc chiến về lại đất Lạc của Âu Cơ
Dòng tộc Đế Lai di dời về phía Tây, trải qua gần ngàn năm tới thời “Hùng Vương 18” đã trở thành "Bộ chủ Ai Lao", tức là thủ lĩnh vùng đất Âu ở Vân Nam, Quý Châu (Ba Thục) ngày nay. Thục Vương phát động một cuộc đại chiến mà các Ngọc phả về Tản Viên Sơn ghi lại với số quân lên tới hàng chục vạn, tấn công đất nước của Hùng Vương (Lạc Vương). Đối đầu với Thục Vương lúc này là Tam vị Sơn Thánh gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Cuộc chiến Hùng - Thục (Lạc - Âu) lần này diễn ra ác liệt, qua nhiều trận đánh. Cuối cùng, Thục Vương giành thắng lợi, Sơn Thánh buộc phải khuyên Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương.
Thục Vương về đất Phong Châu (Phú Thọ), lập kinh đô Văn Lang, dựng lại đền miếu của Thái tổ Đế Minh, trên núi Nghĩa Lĩnh để tôn thờ. Thục Vương trở thành Âu Cơ, vị quốc tổ của dòng theo mẹ lên núi của người Việt.
Cuộc chiến Âu - Lạc là nền tảng lịch sử cho việc thờ các vị Lạc tướng Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Duệ Vương chống Thục, được lập miếu đền trải khắp cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng trung du Bắc Bộ ngày nay. Cao Sơn, Quý Minh là dòng dõi của Lạc Long Quân, theo cha xuống biển, nên ở nhiều di tích 2 vị này, nhất là Quý Minh, được thờ dưới dạng các thủy thần xuất thế.
4. Cuộc chiến khởi dựng chế độ phong kiến nước Văn Lang
Lễ hội làng Phù Đổng kể Hùng Vương thứ 6 đã hiệu triệu các chư hầu, tìm người tài giỏi, thì được thiên thần giáng thế là Phù Đổng Thiên Vương giúp đỡ, tiên phong dẫn quân chống lại giặc Ân. Dẫn đầu quân đội nhà Ân lúc này là “28 tướng cường nữ nhung" với các thủ lĩnh là Thạch Linh Thần tướng và Ma Cô Tiên (Ma Lôi), hậu phi của vua Ân. Theo Truyện Giếng Việt, Ân Hậu bị Thánh Gióng đánh bại, chết dưới chân núi Vũ Ninh tại Châu Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay). Ân Vương được truyền thuyết Việt gọi là vua Hùng đời cuối (Hùng Duệ Vương), chết hóa thành Vua của Địa phủ. Thắng giặc, Thánh Gióng trở về núi Vệ Linh (Sóc Sơn) lập đàn tế cáo trời đất, ghi bảng “Bách thần nguyên tự”, phong thần cho các tướng sĩ tử trận của cả 2 bên Hùng - Thục để ngàn đời hương hỏa.
Thục Vương còn được kể dưới tên Lang Liêu trong Truyện Bánh Chưng, chỉ thủ lĩnh của người Liêu - Lão (Ai Lao Di). Nhờ có lòng hiếu kính tổ tiên, Lang Liêu đã lên nối mệnh trời, lập cột đá ở Nghĩa Lĩnh thề trung thành với họ Hùng của Đế Minh, chia cho 22 người anh em ở các nơi đầu núi góc biển làm phiên dậu bình phong, cùng nhau giữ gìn đất nước.
Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể là Hùng Quốc Vương, người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, chia nước làm 15 bộ, phân phong cho trăm anh em Bách Việt làm các phiên thần, thổ tù, quan lang, phụ đạo, đời đời được cha truyền con nối đất đai và chức vị. Từ Hùng Quốc Vương - Lang Liêu, xã hội Việt bắt đầu thời kỳ phong kiến phân quyền hay thời kỳ “Trị bình kiến phu” (trị quốc, bình thiên hạ, kiến lập chư hầu).
5. Cuộc chiến thống nhất thiên hạ của Triệu Trọng Thủy
Truyện Rùa Vàng kể, cuối thời nhà Thục, nước Triệu nhăm nhe thôn tính nước Âu Lạc. Hoàng thế tôn của Triệu là Trọng Thủy được cử sang kết giao làm con tin (con rể) tại Đông Ngàn Cổ Loa của An Dương Vương. Rồi cuộc chiến giữa Triệu và Thục nổ ra. An Dương Vương thất thế, phải cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển, chấm dứt thời kỳ tồn tại hơn 800 năm của nước Văn Lang - Âu Lạc. Từ đó bắt đầu một thời kỳ toàn trị thống nhất thiên hạ của nhà Triệu.
Sử ký Tư Mã Thiên chép đây là sự kiện Tần Chiêu Tương Vương đánh bại Chu Noãn Vương năm 257 TCN, khởi đầu triều Tần hùng mạnh. Tới Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, bãi bỏ chế độ phân phong chư hầu mà xưng Đế, lập quốc gia thống nhất, quản lý bằng chế độ quận huyện. Nhà Tần mang họ Triệu từ tổ tiên là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương được phong ở Triệu thành. Vì thế, truyền thuyết Việt kể thành Triệu Đà diệt nước của An Dương Vương mà lập quốc.
6. Khởi nghĩa kháng Tần của Triệu Vũ Đế
Đế quốc Tần tồn tại không được lâu. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, các chư hầu khắp nơi lại nổi lên, như muốn quay lại thời kỳ phân phong xưa. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, lúc này một đình trưởng huyện Bái là Lưu Bang nhờ gặp được thời thế, dẫn quân chiếm Quan Trung của nhà Tần, rồi phân tranh thiên hạ với quân Sở của Hạng Vũ. Kết quả là Hán Vương chiến thắng, thống nhất thiên hạ, khởi đầu nhà Hán Hiếu (Hảo hán).
Lịch sử Việt gọi Hiếu Cao Tổ là Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), năm 206 TCN đã khởi nghĩa kháng Tần từ vùng đất Long Xuyên, chiếm các quận ở Lĩnh Nam, lập quốc Nam Việt mà xưng Đế. Sau khi Cao Hậu mất, thiên hạ Trung Hoa lại chia thành 2 nước. Nhà Hiếu (Tây Hán) chiếm giữ vùng phương Bắc. Nhà Triệu ở Nam Việt với thừa tướng là Lữ Gia. Cuộc đối kháng 2 miền Bắc - Nam tiếp tục diễn ra.
7. Khởi nghĩa Trưng Vương dòng Lạc Hùng chính thống
Rất nhiều thần tích Việt cho biết, khởi nghĩa của Trưng Vương nổ ra ngay sau khi nhà Triệu nước Nam Việt ở Phiên Ngung thất thủ năm 110 TCN và Trưng Vương là dòng dõi "Lạc Hùng chính thống". Trưng Vương khi khởi nghĩa đã lập đàn tế Tản Viên Sơn Thánh ở Hát Môn, nhưng vị thần hiện lên phù trợ lại là Lạc Long Quân. Trong các di tích thờ tướng lĩnh của Trưng Vương cũng thường rất hay gặp những vị thần hiển linh phù giúp là Cao Sơn, Quý Minh, Ma Cô Tiên..., là các vị thuộc dòng Lạc từ thời phân chia Âu - Lạc xưa.
Bản thân ông Thi Sách được gọi là “Lạc tướng Chu Diên” hay “Quốc vương Thiên tử Đông Hán đại vương”, đều nghĩa là chỉ dòng Lạc Hùng ở phía Đông. Mối liên quan giữa Trưng Vương và dòng Lạc Long rất rõ. Đồng thời như thế đã ám chỉ, nhà Hiếu (Tây Hán) đối nghịch thuộc về dòng Âu xưa.
Khởi đầu từ một nguồn gốc Hữu Hùng Đế Minh, người Việt đã phân tách thành 2 dòng. Một dòng Lạc Long theo cha xuống biển phát triển về phía Đông. Một dòng Âu Thục theo mẹ lên núi phát triển về phía Tây. Những cuộc đụng độ giữa 2 dòng Rồng - Tiên, Hùng - Thục, Âu - Lạc này là đã đánh dấu mốc phát triển của xã hội Việt từ thấp đến cao, từ chế độ công xã lên thị tộc, rồi phong kiến phân quyền sang phong kiến tập quyền trung ương. Hai dòng tộc như 2 mặt Âm Dương, vừa hòa hợp, vừa đối nghịch, xoay vần mà tạo nên sự phát triển theo từng nấc thang tiến bộ của xã hội Việt trong thời kỳ đầu dựng nước.