Một ngày hơn 4000 sáng kiến
Thực hiện Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19", công nhân viên chức, người lao động và các cấp công đoàn Thành phố Hà Nội đã tích cực hưởng ứng, với nhiều cách làm sáng tạo, đạt kết quả ứng dụng cao.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, sau gần 5 tháng phát động và tiến hành cập nhật sáng kiến trên cổng trực tuyến, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, gián đoạn do nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, chương trình đã hoàn thành vượt chỉ tiêu giai đoạn 1 (từ 15.12.2021 đến 31.5.2022).
Theo thống kê, đã có 56.106 sáng kiến tham gia, đạt 108% kế hoạch giai đoạn 1 (vượt 4.106 sáng kiến) và đạt 94% chỉ tiêu toàn bộ chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao.
Trong đó, rất nhiều sáng kiến thể hiện được sự sáng tạo của người lao động ở thời điểm dịch bệnh phức tạp, nhiều sáng kiến có tính thích ứng cao với bối cảnh bình thường mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan, đơn vị.
Đặc biệt, vào dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5, số lượng sáng kiến vẫn tăng đều trên hệ thống, trung bình có khoảng 800-1.000 sáng kiến/ngày, cao điểm có ngày số sáng kiến tăng đến hơn 4.000.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đánh giá, kết quả giai đoạn 1 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự nỗ lực vượt bậc của hệ thống công đoàn cùng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động Thủ đô; khẳng định sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận về quan điểm của tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động nhằm phát huy năng lực, sáng kiến, cải tiến của người lao động.
Thời gian tới, với 78.000 sáng kiến đăng ký ở giai đoạn 2, các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục tích cực tuyên truyền, truyền thông về mục đích, ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là những cá nhân, đơn vị có mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo.
Người lao động vui vì sáng kiến được áp dụng vào sản xuất
Giống như Hà Nội, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có hơn 1.200 sáng kiến từ cán bộ công đoàn, công nhân lao động trên toàn tỉnh từ chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 2021.
Những sáng kiến của người lao động (NLĐ) dù rất nhỏ nhưng đã có sự đóng góp lớn vào việc phát triển của doanh nghiệp (DN). Anh Trịnh Như Khoa, công nhân Công ty Bungkook Sài Gòn II (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, phường Dĩ An) là một điển hình như thế.
Trong lễ phát động Tháng công nhân năm 2022, có 30 cán bộ, công nhân trên toàn tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh chọn tuyên dương. Được trao đổi, lắng nghe những tâm sự của họ, mới thấy được những ý nghĩa to lớn từ Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” mang lại.
Anh Trịnh Như Khoa không giấu được niềm vui sau khi được tuyên dương chia sẻ: “Sau khoảng 1 năm tham gia chương trình, tôi đã có 5 sáng kiến nơi làm việc. Tôi làm ở bộ phận may ba lô, túi xách, nên đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực với việc làm. Đó là sáng kiến các khuôn, mẫu ở dây đeo, tay nắm, móc khóa..., khi đưa vào áp dụng được lãnh đạo công ty đánh giá là rất hiệu quả.
Sáng kiến mình đưa ra sau đó được công ty thẩm định, đưa vào áp dụng vừa dễ thao tác trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, vừa đỡ tốn nhân công, dễ làm. Tất nhiên, các sáng kiến ít nhiều sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, nơi mình làm việc trước sản phẩm làm ra”.
Anh Khoa cho rằng, với NLĐ làm công ăn lương thì ở đâu cũng vậy, khi bắt tay làm việc, họ quan tâm đến sản phẩm, làm ra thật nhiều sản phẩm để nhận lương cao. Nói một cách nôm na là chạy đua với sản phẩm mỗi ngày, chứ ít chú tâm đến sản phẩm có đẹp, có bền hay không.
Từ khi Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” được phát động, được doanh nghiệp ghi nhận công lao, NLĐ đã có cách nhìn khác.
“Nếu trước đây, sau giờ làm mình đi chơi, thư giãn thì nay chú trọng đến việc làm nhiều hơn. Trong quá trình làm việc, thấy công đoạn nào khó làm, không được đẹp, lập tức mình chú tâm, về nhà suy nghĩ làm sao cho đẹp hơn, nhanh hơn, dễ làm hơn.
Người tạo ra sáng kiến không đơn thuần được doanh nghiệp tăng lương, có thể bổ nhiệm vị trí cao hơn mà còn rất tâm đắc khi sản phẩm bán ra thị trường có dấu ấn về công sức, trí tuệ và bàn tay của mình. Điều đó làm cho mình hạnh phúc và quyết tâm nhiều hơn”, anh Khoa tâm sự.
Từ việc tạo ra sáng kiến chuyên môn, anh Khoa dần đam mê sáng kiến, tạo ra thêm một sáng kiến mới về sơ đồ tổ chức quản lý công nhân làm việc tại các phân xưởng mỗi ngày, vừa được công ty nghi nhận.
Anh chia sẻ: “Rất vui vì khi tạo ra sáng kiến mới, càng tạo động lực trong công việc cho bản thân. Càng vui hơn khi nhiều bạn trẻ trong tổ sản xuất của mình cũng đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, đóng góp cho công việc mỗi ngày. Theo tôi, Chương trình “Một triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” rất ý nghĩa”.