Có thu nhập ổn định từ học nghề
Chị Tăng Thị Sà Vol, ở khóm Soài Côn, Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, gia đình chỉ có vài công rẫy; ngoài những lúc vào vụ mới bận rộn, còn lại hầu hết thời gian chỉ lo cơm nước, làm việc nhà. Vừa qua chị tham gia lớp đan giỏ nhựa do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học, chị nhận sản phẩm về làm, mỗi chiếc giỏ hoàn thành được trả 75.000 đồng.
Bà Huỳnh Thanh Nhanh ở xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) thông tin, hiện nay trung bình mỗi tháng bà có thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng từ đan đát thủ công mỹ nghệ từ cây năn tượng.
“Lúc đầu học nghề còn hơi lúng túng do chưa quen tay, đến khi quen rồi thì đan nhanh lắm. Hiện tôi thu nhập từ 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Tuy thu nhập không cao nhưng lại ổn định và phù hợp với lứa tuổi” - bà Nhanh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thông tin, trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp tổ chức đào tạo 32 lớp với 857 học viên, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như đan lát thủ công mỹ nghệ, trồng trọt, chăn nuôi,... Qua đó đã liên kết với doanh nghiệp giải quyết việc làm cho 100% lao động sau học nghề đan lát thủ công mỹ nghệ có thu nhập ổn định trên 2.5 - 3.5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2023, tỉnh đã lồng ghép thực hiện công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từ các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Qua đó đã tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với việc làm cho 17.540 người, trong đó 15.833 người có việc làm sau đào tạo.
Nhìn chung, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Các lớp được mở theo nhu cầu của người học, sau khi học xong đa số lao động có việc làm, có thu nhập ổn định; với nghề nông nghiệp, người học nghề áp dụng trực tiếp những kiến thức đã học để chăn nuôi, trồng trọt,... giúp hàng nghìn hộ dân giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dạy nghề gắn với nhu cầu lao động
Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), Lưu Tuấn Anh cho biết: Với phương châm “dạy những gì người dân cần” nên hằng năm các địa phương và trung tâm khảo sát nắm nhu cầu học nghề của người dân theo danh mục được Sở LĐTBXH tỉnh phê duyệt.
Các địa phương cho người dân chọn nghề học phù hợp để Trung tâm mở lớp. Các điểm dạy nghề được bố trí thuận lợi cho người học, học viên chủ động lựa chọn buổi học, đảm bảo vừa đi học vừa sắp xếp được công việc gia đình.
Ông Nguyễn Văn Vũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thông tin: Đơn vị phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã tăng cường rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, thống kê phân loại để có kế hoạch lựa chọn đào tạo những ngành nghề thiết thực với nhu cầu, thực tiễn của địa phương.
Ông Vũ cho biết thêm, địa phương cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.