Hơn 2.500 lao động nông thôn được đào tạo nghề
Đến nay, huyện Krông Nô đã trải qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư (khoá XI) và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Nông về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Hiện nay, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đã được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.
Chia sẻ về kết quả dạy ngề trong thời gian qua, ông Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô - cho biết, hằng năm, công tác đào tạo nghề thông qua việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.
Chương trình đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu của người lao động trong việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đơn cử như năm 2018, anh Hoàng Văn Dịch (ở xã Nam Đà) đã được tham gia lớp dạy nghề bảo vệ thực vật. Qua các kiến thức tiếp thu từ lớp học, anh Dịch đã áp dụng vào trong sản suất cây trồng của gia đình và đem lại hiệu quả đáng kể.
Theo thống kê, tính từ năm 2012 - 2022, số nghề, nhóm nghề đã được cấp giấy phép hoạt động đào tạo nghề nông thôn là 12 nghề. Cụ thể, có 6 nghề nông nghiệp và 6 nghề phi nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện tổ chức 9 lớp đào tạo nghề nông thôn cho 2.538 người; 65 lớp dạy nghề trình độ sơ cấp và cấp chứng chỉ cho 2.050 lao động. Trong đó, có 1.116 lao động là nữ chiếm 52%; dân tộc thiểu số là 1.528 người chiếm 71%.
Đối với lĩnh vực phi nông nghiệp, huyện đã mở được 38 lớp, 1.220 học viên được cấp chứng chỉ; lĩnh vực nông nghiệp 27 lớp, 830 học viên tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ.
Riêng năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đang đào tạo 12 lớp nghề, với 390 học viên, gồm nghề nông nghiệp 150 học viên, nghề phi nông nghiệp 240 học viên.
Nâng cao năng suất, thu nhập cho người lao động
Theo đánh giá, khảo sát chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo lao động ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức được học về khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất. Qua đó, người lao động đã giảm được chi phí, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Thông qua các lớp dạy nghề lao động nông thôn, người lao động đã biết vận dụng vào sản xuất, chăn nuôi làm ăn phát triển kinh tế cho gia đình.
Cụ thể, đã có 1.781 người có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 82%. Từ đó, người lao động đã nâng cao được chất lượng cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương
Ông Lê Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô - cho hay, năm 2023 và thời gian tới, từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện và các đơn vị liên quan tổ chức, vận động sâu rộng người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề.
Dự kiến hằng năm, sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 300 - 350 lao động để giúp bà con phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng nông thôn mới.
Ngoài bộ chương trình, ngành nghề đang áp dụng đào tạo hiện nay, đơn vị sẽ nghiên cứu để biên soạn thảo thêm chương trình mới, xin cấp có thẩm quyền cấp phép giấy chứng nhận hoạt động nghề nghiệp đa ngành nghề để đào tạo cho lao động địa phương theo nhu cầu của thị trường lao động. Tổ chức liên kết với các đơn vị khác để đào tạo ngành nghề phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu lao động.
“Có lao động sau đào tạo nghề đã tìm được việc làm ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật nhu cầu lao động trên thị trường để có định hướng phù hợp, hỗ trợ người lao động được đào tạo nghề và có việc làm ổn định sau đào tạo nghề” - ông Nam nói.