Đầu tư công trình nước sạch nông thôn tại Lâm Đồng còn nhiều khó khăn

Mai Hương |

Các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn gặp nhiều hạn chế đối với nguồn nước sinh hoạt.

Nhiều công trình đã bị hư hỏng

Thực hiện đầu tư, quản lý công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện gặp nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải thay đổi tư duy, nhận thức hành động đúng, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của công tác nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Bày tỏ quan điểm trong tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt tại các vùng dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” - vừa tổ chức tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng đã lâu, việc đầu tư thiếu đồng bộ, qua thời gian rất nhiều công trình đã bị hư hỏng xuống cấp.

Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn nông thôn của tỉnh hiện nay nằm ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa nên ý thức sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước còn nhiều hạn chế.

Hàng năm, nguồn kinh phí cho công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu nên nhiều công trình chưa được duy tu, sửa chữa và nâng cấp kịp thời dẫn đến bị hư hỏng, xuống cấp và ngưng hoạt động.

Về việc thực hiện xã hội hóa trong công tác quản lý, khai thác: Đến thời điểm hiện tại chưa có doanh nghiệp nào tham gia công tác quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư vào công trình nước sạch nông thôn hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản, nếu không có tâm, không có tiềm lực thì không thể làm được. Khó khăn nhất đối với quản lý vận hành các công trình nước sạch nông thôn đó là thói quen dùng nước giếng vẫn đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Công trình nước sinh hoạt nông thôn huyện Đạ Tẻh.
Công trình nước sinh hoạt nông thôn huyện Đạ Tẻh. Ảnh: Nguyễn Thành Nam

Thay đổi thói quen sử dụng nước

Đề xuất giải pháp thực hiện, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, cần phải thay đổi thói quen dùng nước. Có những hộ rất vui mừng khi có nước sạch, nhưng ngược lại nhiều hộ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nước sạch đối với chất lượng cuộc sống.

Vì thế, cần tuyên truyền thay đổi thói quen để dần dần người dân sẽ hiểu và sử dụng nước sạch nhiều hơn; đồng thời tăng cường bảo vệ nguồn nước đầu nguồn, hạn chế nước thải vào các công trình chứa nước trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát nhu cầu sử dụng nước tại các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động và các vùng thường xuyên bị hạn hán thiếu nước sinh hoạt.

Tập trung xây dựng mô hình quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung, đảm bảo cấp nước sạch cho người dân; hướng dẫn, hỗ trợ hộ người dân tại các khu vực vùng sâu vùng xa xử lý nguồn nước từ giếng khoan, giếng đào... bảo đảm tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh.

Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, huy động người dân tham gia sử dụng nước, đóng góp một phần tài chính để xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn.

Mai Hương