Nóng không ngủ nổi
Nhận thông báo cắt điện từ 16h đến 24h ngày 8.6 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) từ trước, chị Đinh Thị Nguyệt (Hòa Bình) – công nhân KCN Thăng Long đã phải xin nghỉ sớm để về nấu cơm, tranh thủ lúc còn có điện. Chị Nguyệt kể lại, đó đã là lần thứ 3 trong tháng này khu trọ của chị bị cắt điện.
Trước đây, khi còn là công nhân tại Khu công nghiệp Vsip (Từ Sơn, Bắc Ninh), chị Nguyệt cũng từng thấu cảnh “sống trong bóng tối” những ngày cắt điện. Tuy đã quen với nóng bức, chật chội trong căn phòng trọ bé tẹo teo, nhưng mỗi lần mất điện chị Nguyệt cũng không ngủ nổi.
“Nóng lắm. Nóng không ngủ nổi. Mồ hôi đổ ướt đẫm áo, đặt lưng xuống nền nhà nằm cho mát mà ướt cả cả. Tôi muốn đi làm vì ở công ty vẫn có điện, mát mẻ hơn. Nhưng công ty cũng đang khó khăn, công nhân muốn đi làm nhiều hơn cũng không được” – chị Nguyệt nói.Để chống chọi với nóng bức, nữ công nhân đành phải làm ướt chiếc khăn mặt, đắp lên người để giảm nhiệt độ. Mới đến khu công nghiệp này làm việc không lâu, chị cũng chưa có tiền để sắm một chiếc quạt tích điện, phòng những ngày như thế này.
Những ngày bình thường khác, chị Nguyệt đi làm về phòng, nấu ăn xong, rồi đi ngủ sớm. Ngày qua ngày đều lặp lại như vậy. Các phòng trọ khác cũng luôn đóng cửa im ỉm nên mọi người ít có cơ hội nói chuyện, giao lưu.
Trong những căn phòng trọ có giá chỉ 600.000 đồng/tháng, không chỉ chị Nguyệt mà còn nhiều công nhân khác sinh sống cũng không chịu nổi cái nóng, họ ùa ra sân xóm trọ, chờ 1 cơn gió tự nhiên.
Mát lành vì lời hỏi han
Mất điện, khiến chị và hàng xóm trở nên thân thiết nhau hơn. Chị Nguyệt tâm sự: “Mấy ngày vừa qua bị cắt điện, ở trong phòng nóng quá mọi người ra ngoài hóng gió cho mát. Không chỉ riêng xóm trọ của chúng tôi, các xóm trọ khác mất điện, mọi người đều ùa ra ngoài hóng gió”.
Sẵn vài cốc trà đá, chiếc quạt nan cầm tay, xóm trọ của chị Đặng Thị Năm (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cũng rôm rả hơn hẳn so với mọi ngày.
Chị Năm tâm sự, những ngày đi làm trái ca, chị và chồng còn không nhìn thấy mặt nhau. Những đợt mất điện vừa qua, ngoài kêu ca, nữ công nhân cũng cho rằng đó là dịp để gia đình, hàng xóm gần nhau hơn.
“Không ai muốn chịu nóng cả, nhưng kêu than mãi không giải quyết được gì thì tìm cách cho quên cái nóng. Cả xóm trọ nói đủ chuyện trên đời, từ chuyện đi làm ở công ty đến chuyện tìm lớp học thêm hè cho các con…” – nữ công nhân nói.
Chồng chị Năm cũng là công nhân trong khu công nghiệp này, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Kết hôn năm 2014, đến nay vợ chồng chị đã có 2 con nhỏ, con lớn đã 8 tuổi, con nhỏ 4 tuổi.
Chị Năm cho biết, hiện nay công ty chị đang áp dụng chế độ 1 tuần đi làm 4 buổi, mỗi buổi 12 tiếng với công nhân. Do đó, được nghỉ 2 ngày cuối tuần, chị đều dành để về quê thăm các con.
Dịp nghỉ hè này, chị đã gửi các con về cho ông bà nội ở quê chăm nom giúp. Chị Năm chia sẻ, ở quê thi thoảng cũng mất điện nhưng có thông thoáng hơn ở đây, các con chị cũng bớt khổ sở hơn.
Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua, EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc.
Hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Thông tin này được ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương đưa ra vào chiều ngày 7.6.
Ngoài khẳng định đã nỗ lực có nhiều giải pháp để cung ứng điện, vị Cục trưởng cũng thay mặt cho ngành điện, cơ quan quản lý nhà nước gửi lời xin lỗi đến nhân dân và doanh nghiệp.