Lời cảnh tỉnh cho những đảng viên “nhúng chàm”
Cách đây gần 73 năm, tháng 9.1950 tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi đã bị tuyên án tử hình. Vụ án không chỉ vạch trần các hành vi tham nhũng, sa đọa của kẻ phạm tội mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ coi thường pháp luật, tham ô trộm cắp… tài sản Nhà nước.
Trần Dụ Châu gửi đơn ân giảm án tử hình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lí do tại sao cây sắp chết. Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”. “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”. “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”. Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”. Sau một đêm trắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng lí luận Trung ương - cho rằng, quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước. Người cho rằng, đó là “những căn bệnh nguy hiểm”, “là giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; làm suy yếu bộ máy của Đảng, Nhà nước; gây mất niềm tin của nhân dân. Quán triệt quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta luôn kiên quyết đấu tranh tiêu diệt tệ tham ô, lãng phí một cách triệt để, không khoan nhượng.
Từng bước hoàn thiện thể chế, ngăn chặn từ gốc
GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, quan điểm của Đảng ta về chống tham ô, tham nhũng, hối lộ thể hiện rõ trong nhiều văn kiện đại hội, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa. Và đó là cuộc đấu tranh không “chùn chân, mỏi gối” trong suốt nhiều năm qua”.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kì khoá XIII tới nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, không ngừng, không dừng, không nghỉ, đạt nhiều kết quả tích cực.
“Những cụm từ như “vùng cấm, vùng an toàn” - không còn xuất hiện trong “từ điển” của công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho hay, Đại hội XIII chỉ ra, phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, điểm mới ở đây chính là thêm phạm trù “tiêu cực”. Bởi tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau...
Theo Ban Nội chính Trung ương, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực công tác này như: Ban hành quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong đó đã bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, bao gồm cả chỉ đạo phòng, chống tham nhũng và phòng, chống “tiêu cực”, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, coi đây là gốc của mọi vấn đề.
Cùng với đó, công tác phát hiện và xử lí tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá. Công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lí kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng...
Đưa nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực ra “ánh sáng”
Từ đầu nhiệm kì Đại hội XIII đến tháng 6.2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Báo cáo mới nhất của Chính phủ tại Kì họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, trong 4 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ 292 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ.