Nghi lễ đặc biệt
Được biết, những người ở độ tuổi 60 trở lên hoặc từ 50 tuổi đối (nếu có điều kiện) đều có thể tổ chức lễ cúng sức khỏe. Đời người có thể cúng từ ba, năm, hay bảy lần. Lễ vật dâng lên là gà, heo, trâu, hay bò, một ché rượu hay nhiều ché rượu còn tuỳ thuộc vào điều kiện từng gia đình.
Trong nghi lễ không thể thiếu “cột nêu” là biểu tượng của tâm linh ( người Êđê gọi là gơng drai).
Cây nêu như sợi dây kết nối với các vị thần để cầu xin phù hộ cho mọi người cuộc sống an lành, sung túc. Từ những ngày trước khi sự kiện tổ chức, gia đình đã mời họ hàng, bà con trong buôn làng đến dự.
Ông Y Thăm Kbuôr (TP.Buôn Ma Thuột), một trong những người từng được chọn để tổ chức nghi lễ, chia sẻ: "Lễ vật chuẩn bị đủ gồm 3 ché rượu, 1 con heo, 1 vòng đồng có 3 vòng gạch trên vòng đồng treo trên tai ché rượu, 1 chiếc lưỡi rìu tượng trưng cho sự bền vững của sức khoẻ và làm ăn may mắn phát tài.
Tại lễ này còn chuẩn bị thêm nhiều vòng đồng để trong tô đồng trước ché rượu để thầy chúc sức khoẻ mời lần lượt cùng lời chúc sức khoẻ. Gơng drai có hoa văn được cột giữa ché rượu. Mâm lễ gồm đầu heo, bong bóng heo treo trên cột ché giữa, 2 chiếc chén đồng để đựng rượu, 2 chén cơm trắng, 2 tô thịt đầy đủ lòng và các nội tạng.
Khi ché rượu cần được buộc vào cây cột lễ giữa gian chính ngôi nhà dài và được châm đầy nước, các món ăn vừa chín tới còn nóng hổi... Tiếng chiêng vang lên rộn rã thay cho lời mời gọi mọi người nhanh chân bước tới gian khách ngôi nhà dài. Đó là lúc lễ chúc sức khoẻ chính thức được bắt đầu".
Theo ông Y Thăm Kbuôr: Mở đầu buổi lễ chúc sức khỏe, tiếng chiêng vang hồi dài nhằm thông báo tin lễ đến mọi người. Ngay khi hồi chiêng kết thúc, già làng giới thiệu chủ nhân của buổi lễ và các vị khách quý. Sau đó, thay mặt gia đình, già làng gửi chúc mừng đến chủ nhân của buổi lễ lời chúc sức khỏe. Già làng cũng không quên dặn dò mọi người phải tôn trọng, quý mến và chăm lo cho tinh thần cũng như sức khỏe cho người thân trong gia đình, đặc biệt là người lớn tuổi.
Tiếp đó, già làng tiến đến ngồi trước ché rượu để bảo với tổ tiên, ông bà về việc tổ chức lễ chúc sức khỏe...Tiếp đó, mọi người cùng nhau thưởng thức bữa tiệc, hòa theo nhịp chiêng, trong khi khí vui tươi bà con buôn làng quây quần ca hát, nhảy múa những điệu múa truyền thống tưng bừng và cùng nhau uống rượu cần mừng sức khỏe.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin TP.Buôn Ma Thuột cho rằng: Lễ cúng sức khỏe của người Êđê không chỉ là dịp tôn vinh và thể hiện tình cảm. Mỗi lễ cúng sức khỏe được tổ chức cũng là dịp để các thành viên trong dòng tộc được quây quần, gặp mặt, hỏi thăm nhau.
Trong lễ cúng, việc khấn gọi thần linh, tưởng nhớ tổ tiên và những người đã khuất, cầu mong sự phù hộ cho gia đình là một nghi lễ tâm linh, làm cho mỗi người Êđề nhớ về nguồn cội của mình, giữ gìn và phát huy truyền thống.
Ngày nay, với cuộc sống ngày càng phát triển, bà con tổ chức các nghi lễ theo hướng hiện đại hơn, nhưng thông qua các hoạt động này, góp phần các thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp cận phong tục, tập quán truyền thống, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Việc bà con giữ gìn các nghi thức truyền thống, minh chứng cho nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây, một nét sinh hoạt văn hóa vô cùng độc đáo của đồng bào Ê đê ở Đắk Lắk nói chung, TP.Buôn Ma Thuột nói riêng, bà Phúc thông tin thêm.