Chính sách xóa nghèo đã đi vào thực tiễn ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng đã và đang triển khai Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Và đã có hàng trăm hộ nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hộ nghèo tiếp cận được vốn vay

Ông Y Phuing Hmõk (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vợ bị bại liệt. Tôi đi làm thuê kiếm sống qua ngày và làm thêm nương rẫy mới mong có đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Hai vợ chồng tôi mơ ước xây được căn nhà cấp 4 để che nắng, tránh mưa là đã mãn nguyện, chẳng dám mong gì hơn".

Tiếp cận được nguồn vốn vay 40 triệu đồng theo Nghị định số 28, năm nay, gia đình ông Y Phuing Hmõk cùng với sự hỗ trợ của người thân đã cất được một căn nhà khang trang. Giờ đây ông có thể toàn tâm chăm sóc người vợ bệnh tật và không phải nơm nớp lo sợ căn nhà ẩm thấp, dột nát mỗi mùa mưa tới.

Hay như trường hợp của chị H Duk Bkrông, ở xã Ea Ning, huyện huyện Cư Kuin sau khi được vay 50 triệu đồng để mua heo sinh sản. Chị H Duk đã cải tạo trang trại, mua sắm theo những vật dụng cần thiết để chăm nuôi gia súc. Giờ đây, chị có thể yên tâm làm ăn, tích lũy nhờ lãi suất vay ở mức thấp, đủ khả năng chi trả.

Chị H Duk Bkrông (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) vui mừng nói: "Gia đình tôi là hộ nghèo. Trước khi vay được vốn, nhà có nuôi 2 con heo nhưng không đủ tiền để mở rộng trang trại, thu nhập chỉ được mấy đồng, chẳng đủ ăn. May nhờ tiếp cận được chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước nên cơ ngơi của gia đình tôi ngày càng được mở rộng, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu đi vay bên ngoài thì tôi phải chịu lãi suất quá cao, đối mặt với nhiều rủi ro".

Việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều người nghèo ở Đắk Lắk phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống cải thiện. Ảnh: Bảo Trung
Việc được vay vốn với lãi suất ưu đãi đã giúp nhiều người nghèo ở Đắk Lắk phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Bảo Trung

Cũng trong diện đối tượng được vay số tiền 100 triệu đồng để mua gia súc phát triển việc chăn nuôi, chị H Bi Knul (buôn Pứk Prông, xã Ea Ning) nhiều năm nằm trong diện hộ nghèo giờ đây cũng trở nên phấn chấn, chí thú làm ăn. Chị H Bi cho rằng đây là cơ hội để gia đình đổi đời, thoát nghèo.

Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk: Trong năm 2022, đơn vị đã hoàn thành hồ sơ thủ tục và giải ngân vốn vay cho 21 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số theo Nghị định 28, với số tiền là gần 1 tỉ đồng. Trong đó, chủ yếu là cho bà con vay hỗ trợ đất, nhà ở, sản xuất hoặc chuyển đổi nghề.

Nhiều hộ nghèo đã có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Bảo Trung
Nhiều hộ nghèo đã có cuộc sống tốt hơn. Ảnh: Bảo Trung

Đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng

Được biết, thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã rà soát đối tượng để giải ngân kịp thời nguồn vốn đến những người thuộc diện đủ điều kiện thụ hưởng. Năm 2022, đơn vị đã cho vay hơn 350 hộ nghèo, với số vốn gần 19 tỉ đồng.

Người dân đến Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Bảo Trung
Người dân đến Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk làm thủ tục vay vốn. Ảnh: Bảo Trung

Ông Đào Thái Hòa - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk - cho hay, đối chiếu Nghị định số 28, năm 2023 với số lượng tiền có thể giải ngân là khoảng 100 tỉ đồng, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, Ban dân tộc tỉnh, các huyện phối hợp tăng cường rà soát, bám sát chỉ tiêu tăng cường giải ngân để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn chính sách theo quy định Nhà nước. Việc cho các hộ dân vay vốn phải đảm bảo đúng đối tượng thuộc diện thụ hưởng.

Nghị định 28 của Chính phủ gồm các nhóm chương trình như cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đây là chủ trương mở ra cơ hội mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hoàn cảnh khó khăn an cư, lập nghiệp, nâng cao đời sống.

BẢO TRUNG