Bến nước đầu nguồn trong tiềm thức người đồng bào Ê đê ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Với đa số đồng bào dân tộc thiểu số người Ê đê ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ lớp lớp thế hệ đã qua, bến nước đầu nguồn luôn được xem là nguồn sống của buôn làng họ. Ngày nay, những bến nước đầu nguồn của người Ê đê vẫn được duy trì như một nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ qua các thế hệ.

Về với buôn làng Ê Đê, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ mang gùi đi lấy nước hằng ngày tại bến nước. Tuy bà con hiện vẫn có thể sử dụng nước máy, nước giếng khoan nhưng họ vẫn đi gùi từng bầu nước mát từ bến đầu nguồn về uống, nấu nướng hay dùng cho sinh hoạt hằng ngày.

Về tới bến nước nơi 6 buôn đồng bào của thị trấn EaKar cùng sử dụng, chúng tôi bắt gặp bà con nơi đây thường dùng quả bầu khô hoặc chai lọ để lấy nước.

Bên nước đầu nguồn từ bao đời rất quan trọng với đồng bào dân tộc Ê đê. Ảnh: Bảo Trung
Bên nước đầu nguồn từ bao đời rất quan trọng với đồng bào dân tộc Ê đê. Ảnh: Bảo Trung

Theo bà H Tâm Niê Kđăm (Buôn Mrông B, thị trấn Ea Kar): "Bến nước là nguồn nước quan trọng không chỉ của buôn chúng tôi mà còn là của các buôn khác trong vùng. Đây là nguồn nước tự nhiên sạch, mỗi lần đi làm về, dân làng tôi vẫn hay qua đây lấy nước uống.

Ngày trước, bến nước là mạch con sông hoặc suối được đắp lên và người dân dùng những ống tre, ống nhựa để hứng vào. Hiện, để giữ gìn, bảo quản lâu dài thì nhiều bến nước đã được xây lên kiên cố. Các ống tre hoặc nhựa được đặt ngang mặt nước nhằm điều hoà lưu lượng và lọc các chất bụi bẩn. Nước thu được rất trong, mát và được gạn đi những vật như lá hoặc cành cây cho sạch sẽ".  

 
Người dân tổ chức lễ cúng theo phong tục truyền thống bên bến nước đầu nguồn. Ảnh: Bảo Trung 

Ông Y Lak Niê (Trưởng Buôn Mrông B, thị trấn EaKar) - tâm sự: "Từ hồi xa xưa cũng chẳng rõ thời điểm nào, ông cha chúng tôi di canh di cư, chọn nơi có nguồn nước tự nhiên xong mới thành lập buôn làng. Người xưa phải chọn nơi có nguồn nước rồi mới định cư lâu dài, chính bến nước trong vùng đã nuôi sống chúng tôi tới bây giờ vì ngày xưa chưa có nước máy. Người Ê đê sẽ chọn một người uy tín làm chủ bến nước, để duy trì, bảo tồn và làm lễ cúng ở nơi đây.

Lễ cúng được tổ chức vài năm một lần hoặc hằng năm, khoảng tháng 2, tháng 3 tuỳ theo điều kiện của buôn làng. Đây là phong tục tập quán và nghi lễ quan trọng, thường diễn ra sau khi vụ thu hoạch nhằm tạ ơn thần linh về vụ mùa vừa qua, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu".

Bến nước đầu nguồn đã nuôi sống bao thế hệ người đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung
Bến nước đầu nguồn đã nuôi sống bao thế hệ người đồng bào dân tộc Ê đê ở Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Ông Y Suêc Mlô (Chủ bến nước buôn Mrông B, Thị trấn EaKar) cho biết thêm: "Tôi phải vận động bà con phải tôn trọng, làm vệ sinh sạch sẽ, làm lễ cúng bến nước thì phải kêu gọi nhân dân ủng hộ, góp tiền, mua rượu, mua heo, mua gà mới làm được.

Từ bao đời nay, người Ê Đê đã nhận thức được vai trò của tài nguyên nước. Bến nước chính là nguồn sống, nuôi lớn bao thế hệ đồng bào Ê Đê. Họ luôn giữ gìn sạch sẽ, bảo vệ bến nước với niềm tin được che chở, mang đến sự khoẻ mạnh, ấm no".

BẢO TRUNG