Môn võ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Anh Vũ |

Trong số các di sản văn hoá được công nhận vào đầu tháng 11, “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh” đã chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đầu tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong số các di sản văn hoá được công nhận, “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ Đạo Thành phố Hồ Chí Minh” đã chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Quyết định cũng giao Chủ tịch UBND các cấp, nơi có di sản văn hóa phi vật thể thực hiện việc quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trước đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Liên đoàn Vovinam Thành phố hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Việt Võ Đạo. Việt Võ Đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1938, tại Hà Nội.

Ông sáng tạo ra môn võ này với hy vọng rằng, bằng cách dạy cho dân chúng kĩ năng chiến đấu, người Việt Nam sẽ đánh đổ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc mà không cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Võ sư Nguyễn Lộc đồng thời đề ra chủ thuyết "cách mạng tâm thân" để thúc đẩy môn sinh luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.

Vovinam được phát triển dựa trên môn Vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của nhiều môn phái võ thuật ngoại quốc để tạo ra một môn võ đặc trưng dành cho người Việt. Sau này, môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần chính: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ Đạo).

Người dân Ấn Độ luyện tập môn võ Vovinam của Việt Nam. Ảnh: AFP
Người dân Ấn Độ luyện tập môn võ Vovinam của Việt Nam. Ảnh: AFP

Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Trưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Trong khoảng thời gian này, ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ đặc trưng của người Việt Nam.

Ra đời năm 2010, Hội đồng võ sư Trưởng quản môn phái Vovinam đã đánh dấu chặng đường mới của võ thuật Việt. Cố võ sư Chánh Trưởng quản Nguyễn Văn Chiếu cùng các võ sư đã đưa Vovinam tới nhiều nơi, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp thế giới. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ, Vovinam - Việt Võ Đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và tô điểm hình ảnh của con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Việc thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới vào năm 2008 đã tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển phong trào luyện tập Vovinam toàn cầu, với Liên đoàn Vovinam được thành lập ở các châu lục khác nhau, từ châu Á tới châu Âu, châu Phi. Từ đó, người luyện tập Việt Võ Đạo cũng dần được làm quen với hệ thống thi đấu quốc tế như giải vô địch các châu lục, vô địch thế giới. Những giải đấu này diễn ra ngày càng thường xuyên với chất lượng được nâng cao theo thời gian.

Đến nay, người luyện tập Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Môn võ của người Việt đã thu nhận hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập.

Việc Vovinam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả của nhiều thế hệ võ sư, võ sinh khác nhau trong suốt 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi cần thiết để tiến tới đưa Vovinam thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Tại Việt Nam, liên đoàn sẽ phát triển Vovinam ở khắp 63 tỉnh, thành phố và đẩy mạnh phong trào Vovinam trong học đường cũng như nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh. Một mục tiêu khác được liên đoàn quyết tâm thực hiện là xây Học viện Vovinam, dự kiến đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn là nơi đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.

Dự kiến từ ngày 22 - 30.11 tới đây, Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ VII năm 2023 sẽ diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh). Hiện, giải đã có hơn 650 vận động viên, huấn luyện viên, lãnh đạo đội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham dự.

Anh Vũ
TIN LIÊN QUAN

Độc đáo lễ hội mùa vàng của người Sán Chỉ tại Tiên Yên, Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Ngày 29.10, Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ năm 2023 chính thức khai mạc tại Trung tâm văn hóa xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, phần thi vấn tóc của dân tộc Sán Chỉ được nhiều chị em phụ nữ tham gia.

Hàng nghìn người chen chân xem nghệ thuật thổ cẩm "Gia Lai ơi"

THANH TUẤN |

Tỉnh Gia Lai trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ gìn và quảng bá di sản thổ cẩm như một sản phẩm du lịch đặc sắc của Gia Lai để giúp nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh

Thanh Hà |

Chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ vinh dự được xướng tên tại hạng mục Thực hành xuất sắc của Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Mỹ.

Độc đáo lễ hội mùa vàng của người Sán Chỉ tại Tiên Yên, Quảng Ninh

Đoàn Hưng |

Ngày 29.10, Lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ năm 2023 chính thức khai mạc tại Trung tâm văn hóa xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, phần thi vấn tóc của dân tộc Sán Chỉ được nhiều chị em phụ nữ tham gia.

Hàng nghìn người chen chân xem nghệ thuật thổ cẩm "Gia Lai ơi"

THANH TUẤN |

Tỉnh Gia Lai trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ gìn và quảng bá di sản thổ cẩm như một sản phẩm du lịch đặc sắc của Gia Lai để giúp nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ được Thư viện Quốc hội Mỹ vinh danh

Thanh Hà |

Chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ vinh dự được xướng tên tại hạng mục Thực hành xuất sắc của Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Mỹ.