Hàng nghìn người chen chân xem nghệ thuật thổ cẩm "Gia Lai ơi"

THANH TUẤN |

Tỉnh Gia Lai trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ gìn và quảng bá di sản thổ cẩm như một sản phẩm du lịch đặc sắc của Gia Lai để giúp nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Tối 28.10, tại trụ đá Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku đã diễn ra chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi”.

Chương trình này do nhà thiết kế Minh Hạnh - Giám đốc sáng tạo (Công ty TNHH Việt Mốt) làm tổng đạo diễn, gồm các phần trình diễn bộ sưu tập áo dài, sưu tập thời trang 4 mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông tương ứng với các gam màu chủ đạo, lấy cảm hứng từ thổ cẩm, di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Người mẫu trình diễn thời trang trên nền nhạc dân gian mang âm hưởng Tây Nguyên với phần phụ họa của các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ múa, tái hiện không gian văn hóa cùng sắc màu của thổ cẩm.

Hàng nghìn người dân phố núi đến xem chương trình. Ảnh: Thanh Tuấn
Hàng nghìn người dân phố núi đến xem chương trình. Ảnh: Thanh Tuấn

Tham gia chương trình có 40 nghệ nhân đến từ tổ đan lát, câu lạc bộ dệt của tỉnh Gia Lai, 60 học sinh Trường PTTH Nội trú tỉnh Gia Lai, nhóm nghệ nhân người dân tộc Jrai trình diễn nhạc cụ dân tộc; 80 người mẫu, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm được tổ chức với mong muốn tôn vinh thổ cẩm và những nghệ nhân đã kế thừa, sáng tạo nên di sản vô giá này.

Nghệ nhân Gia Lai trình diễn tạc tượng. Ảnh: Thanh Tuấn
Nghệ nhân Gia Lai trình diễn tạc tượng. Ảnh: Thanh Tuấn

Tỉnh Gia Lai trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ gìn và quảng bá di sản thổ cẩm như một sản phẩm du lịch đặc sắc của Gia Lai để giúp nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

“Gia Lai ơi” là chương trình nhằm duy trì các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã cam kết với UNESCO. Trong đó, trang phục, hoa văn thổ cẩm là một trong những giá trị nổi bật cần bảo tồn, gìn giữ.

Các cô gái dịu dàng trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Thanh Tuấn
Các cô gái dịu dàng trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Thanh Tuấn

Thông qua chương trình nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về hình ảnh, đất nước, con người Gia Lai với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa truyền thống phong phú, nhiều màu sắc, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, gắn với hệ thống các di tích tiêu biểu, lâu đời.

Không gian đặc trưng văn hóa Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn
Không gian đặc trưng văn hóa Gia Lai. Ảnh: Thanh Tuấn

Trong khuôn khổ chương trình, từ ngày 28.10 đến 13.11, tại khu vực nhà bát giác sau trụ đá sẽ có hoạt động trưng bày. Đó là không gian cà phê “From farm to cup” (từ nông trại đến ly cà phê), do nhóm khởi nghiệp sáng tạo không gian cà phê Gia Lai thực hiện.

Bên cạnh đó là không gian thổ cẩm Gia Lai gắn với các dân tộc Tây Nguyên gồm: trưng bày, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống và cách tân; các sản phẩm dệt, đan lát, tượng gỗ...

THANH TUẤN