Sắc phong 7 vị thần
Đây là những sắc phong thờ 7 vị thần đã được dân làng suy tôn, đến nay, có tuổi đời cũng gần 150 năm. Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn.
Theo đó: Năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh ban sắc phong 2 là Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Đức vua Cao Các Mạc Sơn. Năm Canh Dần (1892), vua Thành Thái ban sắc phong Minh Vương Tam Tòa. Năm Kỷ Dậu (1909) và Quý Sửu (1913), vua Duy Tân ban 8 sắc phong, gồm: Chưởng lâm Đại Thần, Tả phủ Hiền quận Công, Phù Sơn Hầu, Đức Thầy…
Riêng năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định ban liền 7 sắc phong cho các bậc tiên hiền làng Phù Kinh.
Sắc phong của nhà vua chỉ rõ: “Sắc cho làng Phù Kinh, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình từ trước phụng thờ Thượng đẳng thần Cao Các Mạc Sơn nguyên tặng Hiệu linh Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, giữ nước giúp dân đã từng linh ứng, lần lượt được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ…”.
Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm cụ thể nhằm ghi lại tên tuổi, công lao của các vị thần được người dân tôn thờ nên nội dung sắc phong có tính chính xác gần như tuyệt đối.
Trải qua bao nhiêu năm, đến nay, từng sắc phong khi được trải ra, dấu mực, ấn triện vẫn còn nguyên nét, trang giấy sắc phong còn giữ màu vàng nguyên bản.
Thời gian đầu tiên, sắc phong được cất giữ cẩn thận trong các ngôi đền, điện, miếu thờ hoặc nhà thờ họ. Chiến tranh xảy ra, dân làng phải cất nơi kín đáo để bảo vệ, có khi chôn xuống đất, có khi mang lên núi. Rồi khi hòa bình lại trải qua những trận thiên tai, lũ lụt.
Gìn giữ “báu vật”
Ông Nguyễn Bá Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa - vẫn nhớ trận lụt lớn vào năm 1980. Lúc đó, các sắc phong được cất trong chiếc hộp gỗ lớn tại Miếu thờ Tướng quân Trần Phù. Nước dâng cao, cả làng ai cũng lo chạy lụt, chiếc hộp gỗ đựng sắc phong bị trôi theo dòng nước. May mắn có người trong làng đã tìm thấy nên vớt chiếc hộp về giao cho chính quyền xã.
Đến nay, toàn bộ 18 đạo sắc phong làng Phù Kinh được cuộn lại kỹ càng, bảo quản trong ống nhựa lớn và đặt trang trọng trong Phòng Truyền thống của UBND xã Phù Hóa. Từ đó, vừa bảo tồn được “báu vật” quý của làng, cũng là lưu giữ để truyền lại cho con cháu ngày sau.
Tuy nhiên, trải qua biến thiên của thời gian, được cất giữ, di chuyển qua nhiều nơi, thêm ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết nên hiện các sắc phong đều bị hư hại ở mức độ khác nhau, có những sắc phong bị hư hỏng, xuống cấp đến 70%.
Ông Nguyễn Văn Trung - Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa - cho biết: “Địa phương mong muốn được các cơ quan chuyên môn sẽ có động thái phục hồi lại, tư vấn bảo quản hoặc tổ chức dịch thuật nhằm phục vụ công tác số hóa 18 sắc phong cho địa phương. Để bảo tồn và lan tỏa nguồn di sản quý hiếm mà cha ông để lại cho hậu thế”.