Nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị Hà Nội
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Trong đó, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Thời gian qua, việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đạt được nhiều kết quả.
Từ nhiều năm nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô thực hiện nhiều giải pháp trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, nếp sống văn minh. Là vùng lõi của Hà Nội, người Hoàn Kiếm luôn coi trọng cách đối nhân xử thế, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình.
Trải qua nhiều biến động, thăng trầm, những giá trị nền tảng ấy vẫn luôn tồn tại và là thành tố giúp duy trì sự bền vững, lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã luôn quan tâm triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn quận luôn quan tâm thực hiện và hướng tới.
Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, Đảng bộ và chính quyền quận Ba Đình luôn quan tâm tới việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021–2025 được xác định gồm các nội dung, như bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật của người Hà Nội, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, sự phát triển với tốc độ cao của Hà Nội, đặc biệt tình trạng đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp” gây ra nhiều hệ lụy, trong đó vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập với những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều trong lý luận cũng như thực tiễn cuộc sống…
Vấn đề là, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Những giá trị nào trong hệ giá trị gia đình truyền thống của Hà Nội cần được gìn giữ, phát huy? Những giá trị nào cần bổ sung? Và giải pháp nào cho nhiệm vụ này?
Có thể thấy trong đó có hàng loạt vấn đề cũ, mới, song đều đặt cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới, trong điều kiện mới, cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi.
Bên cạnh đó, để gìn giữ văn hóa truyền thống song hành với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, theo lãnh đạo các địa phương, cần khảo sát kỹ lưỡng thực trạng văn hóa đô thị, văn hóa ứng xử của người dân để từ đó tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu giao tiếp, xu hướng thực hành ứng xử, lĩnh vực cần tập trung giải quyết, lĩnh vực có những tác động gián tiếp hoặc trực tiếp để định hướng, định hình chuẩn mực ứng xử văn hóa của người dân trong bối cảnh hiện nay. Cần nâng cao nhận thức giá trị của gia đình, xây dựng các tiêu chí đặc trưng về người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Cụ thể hóa các vấn đề, theo lãnh đạo các địa phương, trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hà Nội cần gìn giữ và gia tăng giá trị văn hóa gia đình như thế nào để thích ứng.