"Năm COVID", nhớ... ngày Chạp họ

VÂN TRƯỜNG |

Từ ngàn đời nay, Chạp họ đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dòng họ tại nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam.

Chạp họ - nét văn hóa truyền thống đặc sắc

Hàng năm, cứ đến ngày Chạp họ (khoảng cuối tháng 12 âm lịch), những người trong dòng họ Trần Huy của tôi dù ở nhà hay đi làm ăn xa đều tập trung về nhà thờ họ, cùng nhau làm lễ cúng tổ tiên, thăm hỏi họ hàng, bàn việc họ, đóng góp tu bổ từ đường, sửa sang lại mồ mả của dòng tộc...

Đây không chỉ là tục lệ riêng của dòng họ tôi mà đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc tại nhiều dòng họ trên khắp cả nước, tự ngàn đời nay.

Theo lệ xưa, chỉ các “suất đinh” (nam giới) mới được tham gia chạp họ nhưng một vài năm gần đây, một số dòng họ đã có tư duy đổi mới, không phân biệt nam nữ, đến ngày chạp họ, ai cũng được tham gia.

Ngày chạp họ, từ tờ mờ sáng, tất cả con cháu trong họ tề tựu tại từ đường (nhà thờ họ) lo sắp xếp bàn ghế, chè nước. Các bà, các mẹ dậy sớm tất bật chuẩn bị mâm cỗ cho lễ cúng tổ tiên thật đầy đặn, nghiêm cẩn.

Một nghi thức trong ngày Chạp họ. Ảnh: Vân Trường.
Một nghi thức trong ngày Chạp họ. Ảnh: Vân Trường.

Các cụ cao niên mặc áo the, khăn xếp chỉnh tề dẫn con cháu đến mộ ông tổ họ và mộ các cụ chi dưới đó để tảo mộ, dâng hương khấn vái (còn gọi là chạp mả). Những đứa trẻ ở xa về đúng dịp cũng hồ hởi đi “quét mộ”. Dù bọn trẻ chưa giúp được gì nhiều nhưng đây là dịp để người lớn giới thiệu về phần mộ của tổ tiên; giải thích cho trẻ con về phong tục ngày tết; để con cháu thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ về những người đã khuất.

Chạp mả xong, con cháu về tập trung tại từ đường (nhà thờ tổ).

Trong không khí thiêng liêng, ấm cúng với hương trầm nghi ngút, ông trưởng họ ôn lại truyền thống, gia phong của dòng tộc. Khi hương tàn, cỗ được dọn ra, mọi người quây quần bên mâm cỗ. Tất cả diễn ra vui vẻ ấm cúng trong một đại gia đình gồm nhiều thế hệ.

"Năm COVID", nhớ ngày Chạp họ

Năm nay, dịch COVID - 19 bùng phát đúng vào dịp cuối năm, tại tỉnh Bắc Ninh quê tôi, để phòng chống dịch, UBND tỉnh đã ra quyết định tạm dừng các lễ hội, hội họp, tất niên, vui chơi tập trung đông người. Vậy là, ngày Chạp họ cũng không còn được diễn ra như mọi năm.

Dù đã lên kế hoạch từ đầu tháng Chạp nhưng ông trưởng họ Trần Huy Danh (72 tuổi, Lương Tài, Bắc Ninh) đành phải thông báo đến từng trưởng chi, trưởng ngành và các gia đình về việc không tổ chức ngày chạp họ, tập trung đông đủ cả họ như mọi năm.

Năm nay, ngày chạp họ của dòng họ tôi, chỉ có ông trưởng họ Trần Huy Danh và vài cụ cao tuổi của dòng họ đại diện đi tảo mộ. Sau đó, các cụ lại về nhà thờ họ thắp hương báo cáo liệt tổ, liệt tông về một năm trôi qua của dòng họ, của quê hương và đất nước.

Những nghi thức vẫn vậy, chỉ là không còn có sự đầy đủ của các thế hệ trong dòng họ, để cùng nhau thực hiện và chứng kiến những điều thiêng liêng ấy. Một "năm COVID", và những điều tưởng chừng đơn giản nhất bỗng trở nên xa xỉ...

VÂN TRƯỜNG
TIN LIÊN QUAN

Về Đông Hồ thưởng ngoạn hồn tranh Tết

LAN NHƯ-ANH THƯ |

Ngày giáp Tết Nguyên Đán, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ tất bật tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ thú chơi tranh Tết cho khách hàng.

Một dải Tây Bắc với huyền sử Nàng Han

TRỊNH THÔNG THIỆN |

Trên Mường Then (có nơi gọi là Mường Trời, nơi trú ngụ của các vị thần linh của dân tộc Thái ở Tây Bắc) như Ải Lậc Cậc, Then Luông, các vị thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi... đều có nguồn gốc từ thần thoại do người Thái cổ sáng tạo, để lý giải những hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nhưng có một vị thần kỳ lạ là Nàng Han, bước ra từ huyền sử được truyền tụng từ đời này qua đời khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Về Đông Hồ thưởng ngoạn hồn tranh Tết

LAN NHƯ-ANH THƯ |

Ngày giáp Tết Nguyên Đán, nghệ nhân làm tranh Đông Hồ tất bật tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ thú chơi tranh Tết cho khách hàng.

Một dải Tây Bắc với huyền sử Nàng Han

TRỊNH THÔNG THIỆN |

Trên Mường Then (có nơi gọi là Mường Trời, nơi trú ngụ của các vị thần linh của dân tộc Thái ở Tây Bắc) như Ải Lậc Cậc, Then Luông, các vị thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi... đều có nguồn gốc từ thần thoại do người Thái cổ sáng tạo, để lý giải những hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nhưng có một vị thần kỳ lạ là Nàng Han, bước ra từ huyền sử được truyền tụng từ đời này qua đời khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.