Độc đáo thú chơi tranh Tết
Về Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) những ngày cận Tết, đối lập với cảnh ồn ào, huyên náo của phố phường là hình ảnh những nghệ nhân Đông Hồ làm tranh dân gian để kịp phục vụ thú chơi tranh tao nhã.
Theo nghệ nhân trong làng, tranh dân gian đa dạng về thể loại như: tranh tín ngưỡng, chúc tụng, lịch sử, châm biếm, phong cảnh... Tranh được chọn cẩn thận treo trong ngày Tết cầu mong mọi sự tốt đẹp trong năm mới, cuộc sống đủ đầy và vạn sự như ý.
Điều làm nên nét độc đáo của tranh dân gian Đông Hồ là nguyên liệu làm tranh. Tranh được vẽ lên trên tờ giấy dó, loại giấy được đặc biệt sản xuất từ thân cây dó. Sau đó sẽ xử lý và quết lên bề mặt một lớp mỏng vỏ con điệp, tán nhỏ trộn với hồ. Loại giấy này được gọi với cái tên “Giấy điệp”.
Không chỉ vậy, để tạo ra được sản phẩm tranh đẹp còn là sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, bố cục, khuôn hình. Với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có.
“Với nhiều người tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh Tết vì người ta chơi tranh chủ yếu vào dịp Tết. Mỗi bức tranh hàm chứa giá trị riêng, tượng trưng cho mơ ước người dân, ca ngợi hoặc châm biếm những thói hư, tật xấu…” - ông Nguyễn Hữu Quả (58 tuổi) một trong 3 người trong làng Đông Hồ còn theo nghề làm tranh dân gian chia sẻ.
Trải qua bao thăng trầm, chợ tranh ngày Tết không còn hiện diện ở làng tranh Đông Hồ, nhưng thú chơi tranh vẫn còn nguyên giá trị. Thông thường cứ đến tháng 12 Âm lịch, lượng khách đổ về Đông Hồ tham quan, mua sắm ngày một đông.
Thấy bức tranh trong nhà là thấy Tết
Theo nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, từ sau năm 1990 khi hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ bị giải thể, nhiều gia đình có truyền thống làm tranh đã chuyển sang nghề làm vàng mã hoặc mở rộng buôn bán các mặt hàng có giá trị kinh tế cao hơn để đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Do vậy tranh dân gian Đông Hồ đứng trước hiện trạng bị mai một. Nhưng với những người có niềm yêu thích đặc biệt với tranh Đông Hồ, ngày Tết phải có bức tranh treo trong nhà thì mới trọn vẹn. Mỗi bức tranh mang một ý nghĩa riêng, chơi tranh không chỉ bởi vẻ đẹp mà còn phải hiểu ý nghĩa sâu xa mà nghệ nhân gửi gắm trong từng tác phẩm.
Bởi lẽ đó, tranh Đông Hồ đi vào chiều sâu tâm thức của người Việt và trở thành thú vui tao nhã: “Để hoàn thiện nên một bức tranh, ít thì khoảng một ngày, nhiều có khi đến hơn tuần mới xong một sản phẩm. Làm tranh đòi hỏi phải kiên trì và thoải mái, tâm phải vui vẻ mới tạo ra đường nét thanh mảnh” – ông Quả nói thêm.
Ngoài tô điểm cho không gian gia đình, tranh dân gian Đông Hồ còn được chọn làm quà tặng cho người thân, bạn bè vào dịp Tết. Dù rằng tranh Đông Hồ không còn vị trí độc tôn như xưa nhưng vẫn là hồn cốt văn hóa với người dân Hà Thành mỗi độ Tết đến xuân về.
Theo ông Quả, do năm nay là năm trâu nên số lượng tranh về trâu bán ra nhiều hơn cả. Nổi bật là các bức: Chăn trâu thổi sáo, Chăn trâu thả diều, Nông sự khai cơ, Thiên hạ thái bình…
Để làm được một bức tranh trâu Tết, người thợ phải tỉ mỉ gõ từng mũi đục, vê nét, in mộc... Quá trình này phải làm thủ công hoàn toàn thì mới đảm bảo độ bền, đẹp.
"Người xưa dùng hình tượng trâu trong tranh Đông Hồ để thể hiện sự gần gũi với đời sống con người. Tuy không đứng hàng lễ như một vài con vật khác nhưng đây là con vật gắn liền với công việc đồng áng. Vì vậy để Tết năm nay những bức tranh về trâu được khách yêu thích và mua nhiều” - ông Quả nói.