Một dải Tây Bắc với huyền sử Nàng Han

TRỊNH THÔNG THIỆN |

Trên Mường Then (có nơi gọi là Mường Trời, nơi trú ngụ của các vị thần linh của dân tộc Thái ở Tây Bắc) như Ải Lậc Cậc, Then Luông, các vị thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi... đều có nguồn gốc từ thần thoại do người Thái cổ sáng tạo, để lý giải những hiện tượng tự nhiên xung quanh cuộc sống. Nhưng có một vị thần kỳ lạ là Nàng Han, bước ra từ huyền sử được truyền tụng từ đời này qua đời khác mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đi từ Quan Hóa, Bá Thước (Thanh Hóa) vượt qua đèo Thung Khe đến Mộc Châu, Mường La (Sơn La) rồi rồi lại vượt qua đèo Pa Đin, băng qua sông Đà, ngược sông Nâm Na đến Phong Thổ (Lai Châu) rồi lại vượt đèo Khau Phạ đến Mường Lò (Yên Bái), rồi lại quay về qua đèo Sam Síp ngàn mây đến vùng Mường La (Sơn La) cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Thái bên vòng xòe quyến rũ, bên những trò chơi dân gian từ ngàn xưa lại kể chuyện huyền tích Nàng Han cho con trẻ xứ Mường.

Lai Châu: Người có công với bản Mường được kể muôn đời

Tôi còn nhớ như in trong cái đêm nghiêng ngả rượu cần, bên vòng xòe bất tận trong lễ hội Nàng Han từ năm 2008 ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu, lão nghệ nhân Nông Văn Nhay đã hứng chí kể cho tôi nghe huyền sử Nàng Han trong không khí đặc quánh huyền sử của người Thái ở xứ Mường So.

Các bậc bô lão xứ Thái Mường So (Lai Châu) thực hành phần lễ trong Lễ hội Nàng Han được khôi phục từ năm 2008 đến nay.
Các bậc bô lão xứ Thái Mường So (Lai Châu) thực hành phần lễ trong Lễ hội Nàng Han được khôi phục từ năm 2008 đến nay.
Lão nghệ nhân Nông Văn Nhay giới thiệu về huyền sử Nàng Han và những ghi chép sưu tầm của mình về chuyện kể, địa danh, đền thờ Nàng Han ở vùng Thái Mường So.
Lão nghệ nhân Nông Văn Nhay giới thiệu về huyền sử Nàng Han và những ghi chép sưu tầm của mình về chuyện kể, địa danh, đền thờ Nàng Han ở vùng Thái Mường So.
Múa xòe trong Lễ hội Nàng Han ở xứ Thái Mường So.
Múa xòe trong Lễ hội Nàng Han ở xứ Thái Mường So.

Chuyện kể rằng, từ xưa lắm rồi, có giặc phương Bắc tàn ác tràn qua bản mường người Thái, chúng đi đến đâu thì đốt nhà giết người đến đó. Bỗng có một chàng trai khôi ngô tuấn tú từ phương Nam đến tập hợp trai tráng người Thái đánh đuổi quân giặc phương Bắc. Thắng trận trở về chàng trai tổ chức khao quân và tắm gội bên suối Pá So Na thuộc địa phận xã bản Lang ngày nay. Chàng trai thủ lĩnh mới bảo quân lính xếp đá ông sư thành một cái ao nhỏ để tắm. Chàng trai anh dũng vào đó tắm và không thấy trở ra, dân bảo đến cái ao đó thì chỉ thấy một bộ quần áo lót của phụ nữ để lại. Dân bản mới suy luận là cô gái là Then (người ở Mường Trời - nơi trú ngụ của các vị thần linh trong tín ngưỡng người Thái) đã giả trang làm trai để giúp dân người Thái đánh đuổi giặc. Dân bản không ai biết tên, bèn gọi người anh hùng đó là Nàng Han (theo tiếng Thái, Nàng là người con gái, Han có nghĩa là anh hùng, dũng cảm) và lập đền thờ, hương khói bốn mùa. Và chọn ngày 15 tháng 2 âm lịch là ngày Nàng Han tắm ở ao đá rồi hóa để tổ chức lễ hội tưởng nhớ.

Cũng trong dịp đó, bà Lò Thị Phẹ đã 89 tuổi, là gái xòe cuối cùng còn sống trong đội gái xòe nổi tiếng xứ Thái từ thời vua Thái Đèo Văn Ân (khoảng cuối TK 19) cũng kể rằng, xứ Mường So có 3 lễ hội lớn là Then Kin Pang (Lễ tạ ơn trời), Kin Khẩu Mẩu Lẩu (Lễ mừng cơm mới) và Lễ hội Nàng Han nhưng Lễ hội Nàng Han là đông vui nhất. Thời vua Đèo Văn Ân, lễ hội tổ chức hàng tháng, người dân tộc Mông từ Dào San, người Lự từ Sìn Hồ, người Mảng từ Nậm Ban cũng lặn lội vượt sông, vượt núi mang lễ vật đến Mường So cúng bái. Không những thế, người Thái từ 4 cánh đồng lớn của Tây bắc là Mường Lò (Yên Bái), Mường Thanh (Điện Biên), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La) cũng cắt cử đoàn người mang lễ vật và gái xòe (phụ nữ chưa chồng và biết múa hát 36 điệu xòe cổ của người Thái) đến Mường So để tạ ơn và góp vui lễ hội.

Bây giờ, bà Lò Thị Phẹ cũng đã về Mường Trời mang theo nhiều bí mật về huyền sử Nang Han và vùng đất Thái cổ ở Mường So. Tuy nhiên, tôi cũng đã có dịp chứng thực lời bà Phẹ nói khi dự lễ trong rừng Cúng tướng của người Lự ở Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ). Người Lự dành một khu rừng thiêng để đưa hương hồn các vị tướng có công bảo vệ bản làng để thờ cúng. Ngày nay, hương hồn những liệt sĩ của người Lự đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tiễu phỉ cũng được đưa vào khu rừng này. Trong bài cúng của ông thầy cúng Lò Văn Tam ở rừng thiêng cũng nhắc và mời Nàng Han về thụ hưởng lễ vật của dân bản. Điều này chứng tỏ, Nàng Han cũng là một vị anh hùng trong tâm thức công đồng người Lự.

Dịp khác, khi làm phóng sự về dân tộc Mảng ở Nâm Ban, tôi cũng có duyên được dự lễ cúng Lý Pơ Gia ở bản Nâm Ô. Truyền thuyết về anh hùng Lý Pơ Gia của người Mảng cũng giống như huyền sử Nàng Han của người Thái. Ông thầy cúng ở bản Nậm Ô cũng nhắc và mời Nàng Han về dự lễ với dân bản Mảng. Hỏi Trưởng bản Nậm Ô Lò Văn Tiến thì được biết rằng, tổ tiên người Mảng kể lại, Nàng Han tuy là người Thái những có công đánh đuổi giặc giữ yên bản làng nên được người Mảng ngưỡng vọng.

Câu chuyện huyền sử về nữ anh hùng Nàng Han tôi cũng được nghe kể từ bản này sang làng khác của Thái và người La Ha trên cánh đồng Mường Than (Than Uyên, Lai Châu). Chuyện kể về Nàng Han gần giống với chuyện kể của người Thái ở Mường So. Tuy nhiên, Nàng Han là người cụ thể sinh ra và lớn lên ở Mường Than, cũng giả nam dẫn quân đi đánh giặc nhưng Nàng bị kẻ phản bội trong cộng đồng bắt tên chết khi đang tắm. Ngày nay, trên cánh đồng Mường Thanh vẫn còn những địa danh được lưu truyền như, bãi tập trận Nàng Han, suối Nàng Han tắm, Bãi khao quân của Nàng Han...

Yên Bái: Vị nữ anh hùng xứ Mường Lò

Câu chuyện về Nàng Han ở hai xứ Mường của người Thái là Mường So và Mường Than ở Lai Châu cứ dẫn dụ, thôi thúc tôi trong những chuyển lang bạt Tây Bắc. Trong dịp về Mường Lò (Yên Bái) vui hội xòa đoàn kết lớn nhất Việt Nam, tôi lại được lão nghệ nhân Lò Văn Biến ở bản Cang Nà, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, người đã dành cả đời mình nghiên cứu, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cho các thế hệ đồng bào dân tộc Thái kể chuyện Nàng Han. Về huyền tích cơ bản giống với chuyện kể của người Thái ở Mường Than, tuy nhiên những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Thái ở Mường Lò liên quan đến tục thờ cúng, ngưỡng vọng Nàng Han thì nhiều vô kể.

Trò chơi Tó Má Lẹ của người Thái ở Mường Lò. Tương truyền trò chơi này được Nàng Han truyền dạy cho người Thái vùng Yên Bái.
Trò chơi Tó Má Lẹ của người Thái ở Mường Lò. Tương truyền trò chơi này được Nàng Han truyền dạy cho người Thái vùng Yên Bái.

Lão nghệ nhân Lò Văn Biến khẳng định, ông đã đi và tìm hiểu tất cả các nghi lễ, tín ngưỡng của người Thái vùng Mường Lò thì đều thấy trong các đêm “khắp báo xao” (hát đối đáp), hội xòe, hội nàng Han, hội chơi hang Thẩm Lé vào tháng giêng, trò chơi như “Hạn khuống”, ném còn, đánh yến, hội Tó Má Lẹ (chọi quả lẹ), tết Xíp Xí, lễ mừng cơm mới... đều có dấu tích tín ngưỡng Nàng Han. Ông đã nghe nhiều người già ở Mường Lò khẳng định, 36 điệu xòe cổ nổi tiếng của người Thái miền Tây bắc là do Nàng Han sáng tạo và truyền dạy lại cho dân bản thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Thái trong chống giặc ngoại xâm.

Mặt khác, trong kho tàng dân ca đồ sộ và phong phú của người Thái Mường Lò mà ông Biển kỳ công sưu tầm, cũng có nhiều trường ca hát ca ngơi công lao và sự anh dũng của vị nữ tướng huyền thoại này. Ông Biển chỉ dẫn rằng, trong bài trường ca "Chơi hang Thẩm Han" với những câu ca quyến rũ lòng người như: "Hai ta làm cánh hoa ban/Đến đây kể chuyện Nàng Han đôi lời".

Ở Mường Lò có một quả núi gọi là Đuông Nàng Han nơi thờ cúng Nàng Han của bản Mường. Có lẽ vì dày đặc huyền tích, địa tích nên nhà văn Hà Lâm Kỳ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Yên Bái cũng đã dày công sưu tầm và viết và xuất bản tập truyện dài lịch sử "Thủ lĩnh Nàng Han” dày 155 trang hướng tới độc giả thiếu nhi. Truyện kể giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, có nhiều trường đoạn hấp dẫn bồi đắp cho giới trẻ người Thái nói riêng và cư dân Yên Bái nói chung về tinh thần chống giặc ngoại xâm của cha ông.

Sơn La: Hành trình mang tín ngưỡng Nàng Han lên khu tái định cư mới

Cũng theo mạch chuyện kể về Nàng Han, cách đây 15 năm trước, cái đêm cuối cùng người Thái ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) tổ chức tiệc xòe để chia tay vùng đất cũ nhường chỗ cho Lòng hồ thủy điện Sơn La, tôi cũng đã may mắn chứng kiến những nghi lễ rước vị nữ anh hùng này lên vùng Mường La, khu tái định cư mới. Đêm đó, cụ Lò Pú Nả, người đã dẫn đầu những bô lão người Thái đến các địa danh ven sông Đà như Bãi tập trận Nàng Han, Ao Nàng Han tắm, Đền thờ Nàng Han... để mời vị thần này lên vùng đất mới.

Tượng Nàng Han tại đền thờ ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.
Tượng Nàng Han tại đền thờ ở xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.

Cụ Lò Pú Nả cũng kể chuyện về huyền sử Nàng Han nhưng cơ bản giống với chuyện kể của người Thái ở Mường Lò. Tuy nhiên, có một chi tiết khác biệt là nguồn gốc của Nàng Han là người Pơ Mú và có tên cụ thể là Khum Chương.

Vùng đất cổ Quỳnh Nhai đã ngập dưới chín tỉ mét khối nước của Lòng hồ thủy điện Sơn La. nhưng giữa lòng hồ mênh mông đó, vẫn còn một điểm cao nhất chưa bị ngập là Cột mốc tưởng niệm vùng đất Quỳnh Nhai cũ. Nơi đây, tỉnh Sơn La đã xây một đài tưởng niệm để vinh danh hơn 10 nghìn người Thái đã nhường đất vì dòng điện ngày mai của tổ quốc. Dẫn chúng tôi bằng thuyền đuôi én vượt 30km lòng hồ lên Đài tưởng niệm này, anh Điêu Chính Hiến - Phó Phòng Văn hóa huyện Quỳnh Nhai bồi hồi kể: “Dãy núi Tạng Kẻ cao 2020m ở vùng đất Quỳnh Nhai cũ so với mực nước biển nhìn đã thấp đi nhiều khi nước lòng hồ dâng lên. Ngay dưới chân thuyền mình đang chạy đây, trước kia là những bãi sông, chân núi dày đặc huyền tích về Nàng Han”.

Cũng theo anh Hiến, trên Đài tưởng niệm ở giữa mênh mông lòng hồ này, cứ đến chiều 30 Tết, người Thái ở các khu tái định cư mới lại lũ lượt chèo thuyền về để làm giỗ Nàng Han. Bởi, người Thái vùng Quỳnh Nhai lý giải rằng, ở dưới Lòng hồ kia, nghìn đời nay người Thái được Nàng Han phụ hộ, che chở và đã trở thành một vị Then (thần linh) trong đời sống tâm linh của người Thái.

Với vai trò tâm linh cực kỳ quan trọng trong đời sống của người Thái ở Sơn La, nghành văn hóa tỉnh này cũng đã xây dựng lại Đền thờ Nàng Han tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Đặc biệt hơn, hơn chục năm nay, tỉnh Sơn La cũng khôi phục lại Lễ hội gội đầu ở bản Phiêng Lanh xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, ngay ven Lòng hồ thủy điện để tưởng nhớ đến vị nữ anh hùng Nàng Han. Truyền thuyết về Lễ hội được người Thái kể rằng, sau khi đánh thắng giặc trở về, đúng vào ngày 30 Tết âm lịch, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Kể từ đó để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, cứ chiều 30 Tết, bà con dân tộc Thái trắng lại tổ chức lễ gội đầu để cúng mừng năm mới.

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La còn tồn tại có 3 di tích thờ cúng Nàng Han: Chiềng Phung (di tích này đã ngập trong Lòng hồ và được phục dựng lại xã Mường Giàng ở khu tái định cư mới); Đung Nàng Han Mường Pùa (nay là Phù Yên); Phiêng Khum Lum (Mường La).

Thanh Hóa: Nàng Han - “Bà Triệu nơi miền tây xứ Thanh”

Người Thái ở miền tây Thanh Hóa gồm các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy và Thường Xuân cũng có tín ngưỡng lễ hội và thờ cúng Nàng Han mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Huyền tích Nàng Han được lưu truyền trong dân gian giống như chuyện kể của người Thái ở Sơn La nhưng có một chi tiết khác biệt duy nhất là Nàng Han có quê quán từ làng Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân).

Điệu nhảy sạp của người Thái vùng Quan Hóa (Thanh Hóa). Tương truyền điệu nhảy này do Nàng Han truyền dạy lại cho dân bản và ngày nay đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình khám phá văn hóa của người Thái nơi miền tây Thanh Hóa.
Điệu nhảy sạp của người Thái vùng Quan Hóa (Thanh Hóa). Tương truyền điệu nhảy này do Nàng Han truyền dạy lại cho dân bản và ngày nay đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình khám phá văn hóa của người Thái nơi miền tây Thanh Hóa.

Cứ theo mạch ngồn về Nàng Han lại thôi thúc tôi về Làng Bù Đồn để thẩy Hội Nàng Han vào dịp du Xuân năm 2019. Bà Cầm Thị Đảnh đã tuổi 84 và có nhiều mùa xuân tham gia lễ hội Nàng Han cho biết, hiện nay, tại làng vùng này vẫn còn những dấu tích gắn với truyền thuyết về Nàng Han. Bên trong hang Mường có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa chiến hóa đá đứng chầu. Trên đỉnh hang Mường là khối đá hình nữ tướng ngồi trên ngựa bay về trời. Còn bên dưới chân núi là một dòng suối nhỏ, nước chảy ra có màu đỏ, tương truyền đó là máu của quân giặc. Dòng suối đó chảy vào dòng sông bên ngoài hang Mường. Sau này dân bản đặt tên cho dòng sông là sông Nhồng (tiếng Thái gọi là sông máu). Phía bên ngoài cửa hang Mường là cánh đồng Thắm nơi diễn ra các trận đánh giữa Nàng Han với quân giặc.

Người Thái ở xã Vạn Xuân tổ chức Lễ hội Nàng Han gồm hai phần: Phần tế lễ trong hang Mường và phần hội. Phần tế lễ, thầy mo cùng nhân dân địa phương rước lễ vật từ làng vào trong hang Mường để tế Nàng Han và các thần linh cai quản xứ Mường, cầu mong ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.

Theo cụ Đảnh, nhảy sạp - một trò diễn truyền thống cũng không thể thiếu trong lễ hội Nàng Han. Tương truyền sau lần thắng trận trở về, Nàng Han cùng nghĩa quân và dân bản lại tổ chức nhảy sạp, hát ca mừng chiến thắng.

Một vài kiến giải về huyền tích Hàng Han

Có một điều kỳ lạ, trong suốt hành trình trên miền Tây Bắc đi qua 4 tỉnh là Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và Thanh Hóa lần theo những tín ngưỡng, tập lục, lễ hội về Nàng Han, bản thân tôi cũng đã không bắt gặp một thông tin nào ghi rõ những số liệu cụ thể như: Nàng Han sống vào thời gian nào? Bao nhiêu tuổi? Quê quán chính xác ở đâu?...

Đặc biệt, dân tộc Thái có chữ viết từ từ rất sớm, các lịch sử vùng đất, văn hóa, tín ngưỡng, các tục lệ đều được ghi trong rất nhiều thư tịch cổ nhưng không hề có dòng nào ghi rõ ràng về nguồn gốc Nàng Han. Chính vì thế, người Thái ở Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Thanh Hóa đều nhận định Nàng Han là người nữ anh hùng của quê mình và họ dẫn dụ những dấu tích vật thể lẫn phi vật thể như: Tục thờ cúng, lễ hội, tên gọi các địa danh đều gắn với Nàng Han.

Mang chuyện Nàng Han đối chiếu với những chuyện kể dân gian. Chuyện dân gian theo Cơ sở văn hóa Việt Nam của GS. Trần Ngọc Thêm có ba thể loại: Thần thoại, Truyền thuyết và Cổ tích. Thần thoại là cách dân gian lý giải những hiện tượng tự nhiên, điển hình là kho tàng thần thoại Hy Lạp. Truyền thuyết là chuyện kể dân gian được hư cấu xung quanh một nhân vật lịch sử có thật, điển hình như Truyền thuyết Hồ Hoàn Kiếm. Còn cổ tích là cách dân gian sáng tạo ra chuyện để truyền dạy đạo lý văn hóa làm người, điển hình như chuyện Cổ tích Tấm Cám. Chuyện kể về Nàng Han ở Tây Bắc xét về thể loại đều có yếu tố đúng và không đúng.

Thông qua những khảo sát về địa chí và tín ngưỡng, phong tục, tôi thấy rằng chuyện về Nàng Han là một hiện tượng hiếm gặp trong kho tàng văn hóa dân gian của người Thái nói riêng và Việt Nam nói chung. Và người viết tạm gọi huyền sử về Nàng Han... Để làm sáng tỏ vấn đề này cần có sự nghiên cứu công phu của các nhà sử học.

Còn với tôi, bằng những chuyện tại nghe mắt thấy, người Thái ở Tây Bắc vẫn tâm niệm chuyện kể và những tín ngưỡng, tập tục liên quan đến Nàng Han là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa vốn đã đa dạng và phong phú của tộc này. Khi những thông tin này đến tay bạn đọc thì ở rẻo cao Tây Bắc, người Thái lại đang nô nức tiến hành những lễ hội về Nàng Han để chào đón mùa Xuân, năm mới.

TRỊNH THÔNG THIỆN