Từng làm công nhân ép nhựa ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Nga (42 tuổi, Phú Thọ) xin nghỉ việc vì cơ thể phản ứng với mùi nhựa. “Khi mới đi làm, ngửi mùi nhựa tôi rất khó chịu nhưng lâu dần cũng quen. Từ ngoài 40 tuổi, ngửi mùi nhựa tôi thường bị chóng mặt, đau đầu. Sau đó tôi quyết tâm xin nghỉ việc” - chị Nga nói.
Rời chỗ làm cũ, chị Nga muốn xin vào công ty may mặc hoặc những nơi có môi trường dễ chịu hơn, nhưng đi xin việc ở 4 công ty đều bị từ chối với lí do không tuyển dụng lao động ngoài 40 tuổi.
Hiện tại, chị Nga cảm thấy mệt mỏi khi cầm hồ sơ đi xin việc, có những doanh nghiệp viết rõ yêu cầu chỉ tuyển công nhân dưới 35 tuổi, vậy là “chưa đến vòng gửi xe tôi đã bị loại” - chị Nga chia sẻ.
Theo chị Nga, có công ty chấp nhận hồ sơ nhưng sau khi phỏng vấn, người tuyển dụng vẫn từ chối, họ cho rằng, lao động nữ ngoài 40 không thể đảm bảo sức khỏe, sự nhanh nhẹn để làm việc theo dây chuyền. Trong khi chị Nga cũng là công nhân ở khu công nghiệp hơn 10 năm, có thừa kinh nghiệm và kĩ năng xử lí công việc.
Chị Nga cho biết, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, ở độ tuổi 42, chị lại bị từ chối thẳng.
Anh Nguyễn Văn Du (46 tuổi, Nam Định) là lao động tự do. Vì mong muốn có thu nhập ổn định, được tham gia bảo hiểm xã hội, anh Du quyết tâm xin vào làm ở công ty nhưng đã gần 1 năm nay, vẫn chưa có nơi nào đồng ý nhận.
Tìm việc ở các bảng tuyển dụng hoặc qua người quen giới thiệu đều thất bại, anh Du chuyển sang tìm việc online. Một lần khi đang lướt mạng xã hội, anh Du thấy có công ty may tuyển thợ độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi, nhưng khi gọi điện, người tuyển dụng lại nói chỉ tuyển người dưới 35 tuổi.
“Tôi có sức khỏe, kỷ luật tốt nhưng đi xin việc không được chỉ vì vấn đề tuổi tác. Thật bất công” - anh Du nói và cho biết thêm, những năm trước, công ty giày da gần nhà vẫn nhận lao động nam dưới 50 tuổi nhưng nay tình hình kinh doanh gặp khó khăn, ít việc nên doanh nghiệp không tuyển dụng. Hiện tại, công ty chỉ nhận lao động dưới 40 tuổi, vì quan niệm người lớn tuổi làm việc không thể năng suất, chất lượng sản phẩm cũng không bằng người trẻ.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe Vũ Thùy Trang - cho biết, căn cứ Khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động hiện hành thì phân biệt tuyển dụng trong lao động là một tập hợp con của phân biệt đối xử trong lao động. Dưới góc độ pháp lí thì dấu hiệu phân biệt trong lao động này được thể hiện qua hành vi loại trừ hoặc ưu tiên người lao động dựa trên các tiêu chí, trong đó có giới tính, độ tuổi.
Việc người sử dụng lao động có hành vi, dấu hiệu phân biệt đối xử trong lao động hay phân biệt tuyển dụng trong lao động là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, bị pháp luật cấm và hoàn toàn bị xử phạt theo quy định.