Tháng 11.2021, anh Phạm Văn Phong (28 tuổi, Nam Định) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng được thông báo đã quá quy định 12 ngày.
Ngày 15.8.2021, anh Phong chính thức nghỉ việc do công ty ít đơn hàng, chỉ làm giờ hành chính nên thu nhập có hơn 5 triệu đồng. Sau khi nghỉ việc, anh lên Hà Nội chạy xe ôm công nghệ để cải thiện thu nhập. Tháng 11, công việc xe ôm gặp khó khăn nên nam thanh niên đã về quê làm việc để đỡ tốn kém.
Về quê, anh Phong được mọi người khuyên hưởng trợ cấp thất nghiệp trước. Hơn 2 năm đi làm với mức đóng 4,2 triệu đồng, anh Phong nhẩm tính được hơn 2,5 triệu đồng (60%) tiền bảo hiểm thất nghiệp. Thế nhưng, ngày 27.12.2021 khi đến nơi thì anh được thông báo không đủ điều kiện hưởng.
“Nhân viên thông báo với tôi chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Sau đó, họ khuyên tôi về đi làm tiếp công ty khác sau đó có nhu cầu thì nộp hồ sơ, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được bảo lưu, không cần phải lo lắng” - anh Phong chia sẻ.
Chị Phạm Thị Lý (29 tuổi) - công nhân may tại Đồng Nai cảm thấy không hài lòng với cách làm việc của công ty cũ và hụt hẫng với thời gian 3 tháng để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì công ty chốt bảo hiểm xã hội khá muộn nên đến khi đăng ký trợ cấp thất nghiệp thì đã sát ngày.
Theo chị Lý, ngày 12.3.2021, chị xin nghỉ làm cũng bởi công ty ít việc, thu nhập thấp. Tuy nhiên, do đầu năm có quá nhiều công nhân xin nghỉ nên công ty làm thủ tục chấm dứt lao động khá lâu đồng thời thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội cũng kéo dài đến gần 2 tháng.
“Nhân sự bảo hiểm nói tôi đợi vì cuối tháng mới tổng hợp các công nhân nghỉ rồi mới gửi sang cơ quan bảo hiểm xã hội để chốt chứ không gửi riêng lẻ" - chị Lý kể.
Tuy nhiên, đến tận ngày 6.5.2021, nữ công nhân mới nhận được sổ bảo hiểm, lúc đó vì đang mải kinh doanh, đồng thời vì nhà quá xa Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm nên chị quên mất quyền lợi thất nghiệp. Ngày 15.6.2021, khi đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thông bảo đã quá thời gian quy định.
Cả anh Phong và chị Lý đều mong muốn bỏ quy định thời gian 3 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi đây là số tiền người lao động đóng vào hàng tháng nên chắc chắn phải được nhận.
Anh Phong cho rằng mức quy định hưởng tối đa 12 tháng thất nghiệp trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ để giới hạn quyền lợi nên không phải giới hạn thêm thời gian đăng ký hưởng.