Ông Hoàng Thanh Sơn cho biết, quá trình thương lượng, đối thoại, xây dựng Thoả ước lao động tập thể ngành lần 2 giữa Công đoàn ngành và Hội Dệt may thành phố Hà Nội được thực hiện theo các bước: Thành lập Ban soạn thảo; 4 bước đối thoại, thương lượng, hội thảo và Hội nghị hiệp thương.
Các nội dung trong Thoả ước lao động tập thể ngành được các bên thương lượng đánh giá là phù hợp thực tế chung trong toàn ngành và đơn vị cơ sở. Kết thúc quá trình thương lượng, đối thoại, bản Thoả ước lao động tập thể đã được người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ủy quyền cho Hội Dệt may Thành phố, Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội ký kết.
Đây là sự cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với tính chất, đặc điểm của các doanh nghiệp cùng ngành nghề, làm cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện giao kết hợp đồng lao động, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, đây cũng là cơ sở tạo nên sự cộng đồng trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh trên cơ sở pháp luật lao động; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh tập thể để thương lượng nhằm đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật lao động.
Thoả ước lao động tập thể ngành Dệt may Hà Nội có nhiều điều, khoản có lợi hơn cho người lao động. Trong đó, Thỏa ước quy định về thu nhập tối thiểu, đối với người lao động là công nhân đã qua đào tạo và làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, đảm bảo đủ thời gian làm việc tiêu chuẩn trong tháng và hoàn thành định mức lao động, chất lượng sản phẩm hoặc công việc đã thỏa thuận thì người sử dụng lao động đảm bảo mức thu nhập tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng nhân hệ số 1.15.
Về tiền thưởng, hàng năm căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh người sử dụng lao động có trách nhiệm thưởng cho người lao động theo các hình thức như tháng lương thứ 13; thưởng vào dịp lễ, tết; thưởng cho người lao động có nhiều thành tích đóng góp cho doanh nghiệp...
Về mức ăn ca, các doanh nghiệp, tùy theo điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, mức giá sinh hoạt tại địa bàn hoạt động, áp dụng chế độ ăn giữa ca (kể cả ca làm thêm) với mức thấp nhất là 15.000 đồng/người/ca.
Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, thỏa ước quy định trong mỗi ca sản xuất đối với người lao động làm việc theo ca hoặc trong ngày làm việc đối với người lao động làm việc theo giờ hành chính thì ngoài thời gian nghỉ giữa giờ, doanh nghiệp bố trí thời gian nghỉ ngắn tập trung từ 5-10 phút để người lao động giải lao tại chỗ…
Ông Hoàng Thanh Sơn cho hay, sau khi ký kết, hiện thỏa ước đang được triển khai hiệu quả tại các doanh nghiệp và nhiều đơn vị cũng đã căn cứ Thoả ước lao động tập thể ngành để xây dựng thỏa ước doanh nghiệp với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, qua đó vừa góp phần bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động, vừa để người lao động hiểu rõ về trách nhiệm của mình.