Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07), sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Công an về việc lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác cứu nạn cứu hộ, trong ngày 7.2, Cục đã trao đổi với các đơn vị tham gia chuyến công tác để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước giờ lên đường.
Về phía Cục C07, đơn vị đã chủ động nắm bắt tình hình về loại hình thiên tai ở Thổ Nhĩ Kỳ. Lên danh mục các phương tiện, thiết bị phù hợp để phục vụ cho việc cứu nạn, cứu hộ với sự cố sập đổ nhà và công trình.
Trưa ngày 9.2, đoàn công tác nhận lệnh 16h30 đến Bộ Công an để làm Lễ ra quân.
"Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được tin tưởng thực hiện nhiệm vụ cao cả này và hứa sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", Đại tá Khương nói và cho hay, thời điểm lúc đó, cán bộ, chiến sĩ cũng chưa thể hình dung hết được những khó khăn, phức tạp và sẽ phải làm gì ở Thổ Nhĩ Kỳ.
23h40 ngày 9.2, máy bay chở đoàn công tác đi Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ cất cánh ở Sân bay Nội Bài. Sau 2 chặng bay kéo dài tới 24 tiếng đồng hồ, đoàn có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn công tác phải di chuyển thêm quãng đường khoảng 300km với thời gian 9 tiếng để đến nơi làm nhiệm vụ.
"Thời tiết rất giá lạnh, chỉ từ âm 4 - âm 6 độ C. Trên xe chúng tôi quay được hình ảnh 2 bên đường rất nhiều công trình sập đổ. Các hoạt động cứu nạn cứu hộ diễn ra vô cùng khẩn trương", Đại tá Khương nhớ lại.
Đến 23h30, đoàn công tác đến địa phương nơi thực hiện nhiệm vụ. Tại trung tâm điều phối, Đại tá Khương có cảm giác “như đi hội” bởi có rất nhiều đoàn vào nhận nhiệm vụ, có những đoàn ra mang phương tiện để thực hiện nhiệm vụ...
0h đêm, trung tâm điều phối của nước bạn giao nhiệm vụ cho đoàn công tác của Việt Nam sẽ đến khảo sát ngay 1 địa điểm thuộc khu dân cư, nơi mà người ta dự đoán có 15 người, và có thể vẫn còn sự sống.
"Một nhóm ngay lập tức xuống trực tiếp hiện trường và khảo sát tình huống đó. Chúng tôi nhận định, cơ hội cứu sống người dân là có thể có. Tuy nhiên tỷ lệ chỉ 5-10%", Đại tá Khương chia sẻ.
Nói về những khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ, Phó Cục trưởng C07 cho biết, đoàn công tác luôn trong trạng thái đối mặt với nguy hiểm, bởi khu vực làm nhiệm vụ là những công trình gần sập đổ. Nếu sự cố rung chấn xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Bên cạnh đó, người dân sinh sống tại đây đều nói tiếng bản địa, do đó phải qua 2 cầu phiên dịch mới trao đổi được thông tin.
Việc phối hợp giữa các đơn vị thực hiện nhiệm vụ quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi trình độ ngoại ngữ của nhiều nước cũng chỉ ở mức độ nhất định, điều này cũng gây cản trở trong việc thống nhất phương án và cách tổ chức làm việc.
Kinh nghiệm vàng trong công tác cứu nạn
"Chúng tôi xác định, đây là một thảm họa xảy ra trên phạm vi rất rộng. Chính vì vậy, nơi chúng tôi đến sẽ không hỗ trợ được nhiều trong công tác hậu cần", Đại tá Khương nói.
Do đó, lực lượng làm nhiệm vụ đã chủ động hoàn toàn từ nước uống, thức ăn và những vật dụng y tế khác,... để có thể tự phục vụ trong thời gian tối thiểu là 15 ngày.
Chỉ riêng việc cấp xăng, dầu nhớt để chạy máy phát điện, máy móc để phục vụ cho việc kết nối cho các phương tiện cưa cắt cứu nạn, cứu hộ mới phải đề nghị địa phương cung cấp, hỗ trợ.
Việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị để phục vụ công tác cứu nạn, đoàn công tác của Việt Nam được đánh giá là một trong những đoàn có phương tiện hiện đại nhất tại khu vực tác nghiệp.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, do gặp rào cản về vấn đề ngôn ngữ, đoàn công tác đã đề nghị Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ có sự trao đổi và đề nghị bố trí một tình nguyện viên người Việt sống ở khu vực đó.
Đến ngày thứ 3 làm nhiệm vụ, lực lượng đã tiếp nhận 1 người Việt sống tại Thổ Nhĩ Kỳ có kinh nghiệm về ngôn ngữ và văn hóa đến và hỗ trợ rất tốt cho đoàn trong công tác phiên dịch.
Khi đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục C07 đã lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, đồng thời kinh qua những loại hình, sự cố tương tự đảm bảo yêu cầu đề ra.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương nơi chúng ta đến, không chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ mà chúng ta cần phải làm công tác dân vận. Đó là thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất...
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, Bộ Công an đã hỗ trợ các thiết bị, phương tiện y tế, thuốc men cho nước bạn để chữa trị cũng như cấp cứu những người bị nạn trong vụ sập đổ công trình.
"Tôi đã trực tiếp đến ban điều phối để thực hiện việc bàn giao thiết bị y tế, phía bạn vô cùng xúc động và đánh giá cao sự kịp thời của Bộ Công an khi hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế đúng thời điểm phía bạn cần", Phó Cục trưởng C07 nhớ lại.
Những kết quả trên đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, chuyên nghiệp cao, khẳng định năng lực và khả năng tham gia, hỗ trợ để hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của lực lượng Công an Việt Nam.